Làm gì để giữ chân du khách?

25/09/2018 - 07:58

 - Đó vừa là bài toán khó, vừa là định hướng lâu dài của ngành du lịch (DL) An Giang. Để đạt mục tiêu tăng trưởng số lượt khách bình quân 5%/năm, đón 12,9 triệu lượt khách và tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30% vào năm 2025, An Giang đã dành nhiều chính sách ưu đãi đặc thù nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào DL.

Khát vọng với ngành công nghiệp không khói

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định, nông nghiệp và DL là 2 ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Đối với DL, thực hiện theo phương châm: “Nêu cao khát vọng phát triển, nói đi đôi với hành động sáng tạo, đẩy mạnh phát triển DL”. Đây là kim chỉ nam để hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu của Đảng và chính quyền về mục tiêu phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử để tạo sự khác biệt của ngành DL.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và DL (VH-TT&DL) Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của ngành DL là “vừa thu hút, vừa giữ chân du khách” với chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 10%/năm. Phấn đấu đến năm 2020, ngành DL của tỉnh đón khoảng 10 triệu lượt khách, trong đó tỷ trọng khách lưu trú chiếm 20%, số ngày lưu trú bình quân 2,5 ngày. Đến giai đoạn 2021-2025, tỉnh quyết tâm “giữ chân du khách” với chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 5%/năm, đón 12,9 triệu lượt khách vào năm 2025, tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30% trong tổng lượt khách, với số ngày lưu trú bình quân là 3 ngày.

Để thực hiện đạt những mục tiêu đã đề ra, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động phát triển hạ tầng DL, trong đó tập trung đầu tư (ĐT) hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến DL…Tỉnh đã xây dựng 24 danh mục kêu gọi ĐT trong lĩnh thương mại - dịch vụ - DL, trong đó có 3 dự án (DA) trên địa bàn TP. Long Xuyên, 6 DA trên địa bàn TP. Châu Đốc, 1 DA trên địa bàn TX. Tân Châu. Đối với các huyện, Tịnh Biên có 8 DA, Tri Tôn 2 DA, An Phú 2 DA, Chợ Mới và Thoại Sơn cùng có 1 DA.

Cùng với sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh, các chính sách hỗ trợ ĐT chung về đất đai, thuế… An Giang còn có chính sách hỗ trợ vượt trội trong lĩnh vực ĐT phát triển dịch vụ DL và phát triển DL cộng đồng trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực đến ngày 31-12-2023. Theo đó, đối với hỗ trợ thực hiện các DAĐT phát triển dịch vụ DL, tỉnh có những ưu đãi đặc thù trong hỗ trợ trực tiếp 1 lần cho 1 DAĐT xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp cơ sở lưu trú DL; hỗ trợ DAĐT xây dựng mới nhà hàng kết hợp bán đặc sản An Giang đạt chuẩn phục vụ DL; hỗ trợ dự án đầu tư xây dựng khu mua sắm (trong các khu, điểm DL trọng điểm của tỉnh hoặc trạm dừng chân); hỗ trợ khai thác tuyến DL đường sông. Đối với phát triển DL cộng đồng, An Giang có chính sách hỗ trợ trực tiếp 1 lần cho 1 DA kinh doanh loại hình nhà có phòng cho khách DL thuê (loại hình homestay), đồng thời hỗ trợ lãi suất cho vay ĐT phát triển loại hình DL cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Đa dạng các loại hình DL

Ông Nguyễn Khánh Hiệp cho biết, những loại hình DL đang được An Giang tập trung phát triển gồm: DL tâm linh, DL văn hóa, DL sinh thái, DL cộng đồng (DL trải nghiệm), DL mùa nước nổi, DL đô thị…

Đối với DL tâm linh, định hướng phát triển của tỉnh là vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, vừa gìn giữ, bảo tồn tín ngưỡng văn hóa dân gian. Điểm đến tiêu biểu của DL tâm linh ở An Giang là miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chùa Hang trong Khu DL Quốc gia núi Sam với 5 triệu lượt khách mỗi năm. Đó còn là chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, là tượng Phật Di Lặc cao gần 34m trên đỉnh Thiên Cấm sơn (được công nhận là tượng Phật trên đỉnh núi lớn nhất Châu Á) cùng các hồ nước thơ mộng như: Thủy Liêm, Thanh Long, thu hút 1,5 triệu lượt khách hàng năm. 

Đối với DL văn hóa, nền văn hóa Óc Eo với các giá trị đặc sắc tạo sức hút đặc biệt. Trong khi đó, DL sinh thái có sức hấp dẫn riêng. Rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), thung lũng Cô Tô (Tri Tôn), búng Bình Thiên (An Phú)… đã được tỉnh quy hoạch thành nơi khai thác DL kết hợp bảo tồn thiên nhiên. Chợ nổi Long Xuyên cũng là điểm đến khác biệt thú vị so với các bức tranh sinh kế khác gắn với đời sống thương hồ tại các địa phương khác ở miền Tây Nam Bộ. Những năm gần đây, mô hình DL cộng đồng (DL trải nghiệm, homestay) là xu hướng được giới trẻ và khách quốc tế quan tâm. Cù lao ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên), lòng hồ Tân Trung (Phú Tân), cù lao Giêng (Chợ Mới) đang được triển khai mô hình “nông nghiệp xanh, vườn rau sạch ứng dụng công nghệ cao phát triển nông nghiệp và DL”. Trong khi đó, làng Chăm xã Đa Phước (An Phú), làng Chăm xã Châu Phong (TX. Tân Châu), phum, sóc Khmer (xã Văn Giáo, Tịnh Biên)… dần thu hút du khách theo hình thức homestay. Tại đây, du khách có thể hòa mình vào cuộc sống của người dân, tham gia làm vườn, dệt thổ cẩm, làm đường thốt nốt, bắt cá, hái trái cây, đạp xe…

Gần đây, mô hình DL đô thị đang được nhiều nhà ĐT quan tâm. Tỉnh dành nhiều chính sách ưu đãi ĐT vào các khu vui chơi giải trí tại TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu và huyện Tịnh Biên.


NGÔ CHUẨN