Lặng thầm cống hiến cho đời

24/07/2018 - 07:23

 - Dù đã có tuổi, thay vì ngơi nghỉ, nhiều người lại mong muốn chia sẻ với bà con khó khăn, bệnh nhân nghèo bằng những suất cơm chay, cháo từ thiện... Họ lấy công việc này làm niềm vui, cho đi tấm lòng cũng là nhận lại được nhiều hơn những gì bản thân bỏ ra, đó mới là điều đáng trân quý.

Tấm lòng của bà Sáu

Chồng mất sớm, bà Võ Thị Bé Sáu (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên) một mình nuôi con nhỏ, cáng đáng việc nhà. Cực khổ là vậy nhưng khi chòm xóm khó khăn, bà Sáu luôn giúp đỡ hết mình, chưa bao giờ biết mệt mỏi, dù đã gần bước qua tuổi 70. Từ việc cất nhà, cho thuốc, phát cơm, cho gạo… làm việc gì giúp đỡ cho người khác bà Sáu đều vui vẻ. Dù đã có tuổi, nhưng bà Sáu vẫn nhận đi nấu đám chay, buôn bán đồ chay... để tạo được nguồn quỹ riêng giúp đỡ những người khó khăn, không phải đi vận động người khác. “Thời buổi này, vận động hay đi xin để giúp mọi người vừa khó, vừa không được liên tục. Tôi nghĩ chắc ăn nhất phải tự tạo được nguồn riêng thì việc làm từ thiện mới giữ được lâu bền”- bà Sáu chia sẻ.

Với đồng lời thu được, hàng tháng bà Sáu phát hơn 2,5 tấn gạo cho những người già neo đơn, người bệnh trong và ngoài phường. Ngoài ra, mỗi tháng đến nhận gạo, bà Sáu còn chu đáo phát thêm 50.000 đồng/người để tiếp lo tiền chi phí đi lại cho bà con. Với những hoàn cảnh nghèo, khó khăn chỉ cần nhận được quyển sổ gạo của bà Sáu thì không cần lo nghĩ chuyện gạo nữa.

Cứ mỗi tháng đều đặn lại trình sổ và tất nhiên sẽ được nhận phần gạo của mình. Đó là chưa kể, nhiều năm nay, đều đặn hàng tháng, vào các ngày rằm, cuối tháng, nhà bà Sáu còn là điểm phát cơm chay miễn phí cho những ai có nhu cầu. Cứ đều đặn như thế, khoảng 7.000 hộp cơm được phát ra, từ cơm, đồ ăn đều được bà Sáu tự tay chuẩn bị… và trao đến tay bà con khó khăn trên địa bàn.

Lặng thầm cống hiến cho đời

Từ rất sớm, cháo được đưa đến và phát tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Long Xuyên

Gần 30 năm nấu cháo từ thiện

Gần 30 năm nay, cứ đều đặn mỗi sáng, hàng trăm suất cháo từ nồi cháo từ thiện Hồng Phước (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) lại được trao đến tận tay thân nhân, bệnh nhân đang điều trị bệnh tại các Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang, Bệnh viện Tim Mạch, Bệnh viện Sản - Nhi An Giang.

Ông Lữ Văn Thư và vợ là người trực tiếp đứng nấu, với sự chung sức giúp đỡ của các Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh. Người góp gạo, có đậu góp đậu, đường, muối, tiêu... nhờ vậy nồi cháo mới duy trì được đến hôm nay.

Theo ông Thư, trước đây, cứ đúng 2 giờ sáng, ông Thư cùng vợ thức dậy nhóm bếp, vo gạo chuẩn bị nấu cháo, đó là thói quen được hình thành từ rất lâu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, nồi nấu cháo được thay đổi bằng hệ thống điện, có chế độ giữ ấm nên công việc nhẹ nhàng hơn, có thể chuẩn bị từ đầu hôm trước.

Cháo được nấu chín và giữ ấm đến khoảng 3giờ sáng hôm sau, vợ chồng ông Thư múc và chia cháo ra các thùng. Lúc này, sẽ có thành viên các tổ phát cháo đến nhận và chuyển đi phát sớm cho các bệnh nhân ở 3 bệnh viện trên địa bàn TP. Long Xuyên.

Lặng thầm cống hiến cho đời

Dù đã lớn tuổi, bà Sáu vẫn hăng say làm việc để tạo được nguồn quỹ riêng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn

“Nhờ có bếp điện nên công việc nhẹ nhàng hơn nhưng kéo theo tiền điện mỗi tháng từ 4-5 triệu đồng. Chi phí cao là vậy, nhưng nhờ được các Mạnh Thường Quân đóng góp giúp đỡ nên vẫn được duy trì”- ông Thư thông tin.

Những ngày mới bắt đầu, số lượng gạo nấu cháo mỗi ngày không nhiều, nhưng từ khoảng 20 năm trở lại đây, số gạo dùng nấu cháo tăng lên, trung bình mỗi ngày nấu khoảng 55kg gạo. Bên cạnh đó, những thứ ăn kèm như: đường, muối tiêu, dưa mắm cũng được chuẩn bị tươm tất.

“Tiếng lành đồn xa, mình chỉ góp công nhưng nhờ tạo được uy tín nên không cần đi vận động mà bà con tự đến quyên góp. Có hôm, mở cửa nhà ra đã thấy có bao gạo, cây đường,... đó đều là của Mạnh Thường Quân giúp đỡ để duy trì nồi cháo”- ông Thư chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN