Mức đóng - hưởng trong thực hiện chính sách BHXH

23/04/2018 - 07:27

 - Một số ý kiến băn khoăn, hiện nay, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cao dẫn tới tăng chi phí doanh nghiệp (DN). BHXH An Giang cho biết, nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ BHXH mà cho rằng chi phí BHXH cao, dẫn đến tăng chi phí DN là chưa chính xác. Bởi, chi phí cao hay thấp được quyết định bằng tỷ lệ đóng và nền tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 chính sách trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Quyền lợi hưởng chế độ ốm đau và thai sản ở Việt Nam được đánh giá cao so với các nước trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới. Việc so sánh tỷ lệ đóng BHXH giữa các nước cần được đánh giá trong mối quan hệ với quyền lợi và tỷ lệ hưởng các chế độ BHXH của người lao động (LĐ) và thân nhân người LĐ. Xét về tỷ lệ đóng BHXH thì Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng BHXH cao trong khu vực, với tỷ lệ đóng là 27,5% (bao gồm 3% đóng vào quỹ ốm đau - thai sản; 0,5% đóng vào quỹ BH tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp; 22% đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và 2% đóng vào quỹ BH thất nghiệp).

Hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người tham gia

Hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người tham gia

Tuy nhiên, theo quy định, người sử dụng LĐ và người LĐ cùng đóng góp vào quỹ BHXH để thực hiện chế độ BHXH cho người LĐ. Nền tiền lương đóng chủ yếu dựa trên mức lương cơ bản và có khoảng cách khá xa với mức tiền lương và thu nhập thực tế của người LĐ. Tỷ lệ đóng cao nhưng nền đóng thấp thì mức đóng cũng không cao. Ngoài ra, so sánh với thiết kế các chế độ và quyền lợi mà người LĐ và thân nhân người LĐ được hưởng thì tỷ lệ đóng BHXH cao, theo đó, các quyền lợi mà người LĐ được hưởng cao, như quyền lợi hưởng chế độ ốm đau và thai sản ở Việt Nam được đánh giá cao so với các nước trong khu vực, thậm chí cao nhất thế giới.

Mức đóng và hưởng BHXH đã được quy định rõ ràng trong luật để đảm bảo sự công bằng cho người tham gia BHXH. Mức hưởng sẽ tương ứng với mức đóng và người nghỉ hưu ở những độ tuổi khác nhau sẽ có mức hưởng lương khác nhau. Từ ngày 1-1-2018, tất cả những người về hưu, nếu đủ điều kiện: nam 60 tuổi có 31 năm đóng BHXH và nữ 55 tuổi có 30 năm đóng BHXH thì tiền lương hưu của cả nam và nữ là 75%.

Thực tế, mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tăng lên liên tục trong nhiều năm qua; khu vực Nhà nước sau 22 năm (từ năm 1995-2017) đã điều chỉnh lương tối thiểu chung (lương cơ sở) 15 lần, tăng 10,83 lần (từ 120.000 đồng lên 1.300.000 đồng); khu vực ngoài Nhà nước, sau 10 năm (giai đoạn 2008-2017) đã điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo 4 vùng 10 lần. Cho nên, đóng BHXH cao hơn thì sẽ được hưởng cao hơn và nếu thời gian tham gia BHXH càng nhiều thì tiền lương hưu càng cao.

Tính đến quý I-2018, toàn tỉnh An Giang có 106.424 người tham gia BHXH, chiếm gần 30% lực lượng LĐ làm việc khu vực phi nông nghiệp (bằng 9% lao động nói chung). Trong đó 100.670 người tham gia BHXH bắt buộc (tăng gần 18.000 người so năm 2012), 5.754 người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng tham gia BHXH còn thấp so với tiềm năng, chỉ chiếm 10% lực lượng LĐ. Trong khi đó, BHXH tự nguyện là chính sách khá mới với người dân. Từ ngày 1-1-2018, Nhà nước có chính sách hỗ trợ mức đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện bằng 30% thuộc hộ nghèo; bằng 25% hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Chính sách này có ý nghĩa về mặt lâu dài nhưng hầu hết người dân chưa thật sự quan tâm. Phần đông người dân thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện làm việc ở khu vực nông nghiệp, thu nhập thấp, không ổn định, kinh tế còn nhiều khó khăn không đủ điều kiện để tham gia. LĐ tham gia BHXH tự nguyện chiếm tỷ lệ thấp trên tổng số LĐ đang tham gia BHXH, chủ yếu những người trước đó đã tham gia BHXH bắt buộc nay tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH của một số DN còn nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người LĐ...

Từ ngày 1-1-2018, tiền lương đóng BHXH bao gồm tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức đóng BHXH bắt buộc gồm các khoản sau: quỹ hưu trí, tử tuất; quỹ tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp; quỹ ốm đau, thai sản; quỹ BH thất nghiệp; quỹ BHYT. Trong đó chủ sử dụng LĐ đóng 14% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 0,5% quỹ tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp; 3% quỹ ốm đau thai sản; 1% quỹ BH thất nghiệp, 3% quỹ BHYT. Người LĐ sẽ đóng 8% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 1% quỹ BH thất nghiệp và 1,5% vào quỹ BHYT. Tổng mức BHXH bắt buộc phải đóng của cả chủ sử dụng LĐ và người LĐ là 32%

HẠNH CHÂU