Những đổi thay trong đồng bào Chăm

24/10/2018 - 06:57

 - Thông qua nhiều chương trình, dự án đầu tư, phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS) của Đảng và Nhà nước, 9 địa bàn có đông đồng bào DTTS Chăm đang những thay đổi đáng phấn khởi. Việc học hành của con em được quan tâm, hệ thống điện, đường, trường, lớp, khu dân cư (KDC) mới được xây dựng khang trang, hoàn thiện... Qua đó, giúp bà con tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, cuộc sống có nhiều khởi sắc.

Thông qua du lịch làng nghề, đồng bào dân tộc thiểu số Chăm có thêm thu nhập và cơ hội giới thiệu văn hóa dân tộc

Đồng bào DTTS Chăm ở An Giang có trên 3.500 hộ, với trên 14.000 người, tập trung tại các địa phương: An Phú, Châu Phú, Châu Thành, TX. Tân Châu...

Theo ông Haji Zacky, Trưởng ban đại diện (BĐD) cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang, đồng bào DTTS Chăm An Giang cùng với cả nước ra sức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước đây, do đặc thù vùng sông nước nên bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, mua bán vải, quần áo... trên ghe.

Nhờ đường sá thuận tiện, thông thương nên người dân lên bờ sắm xe máy rồi mua hàng hóa từ quần áo, mùng, mền, khăn... đem bán khắp nơi. Không riêng gì đàn ông, phụ nữ Chăm ần thay đổi nhận thức khi cùng chồng làm kinh tế, chăm lo cho gia đình. Họ tự làm ra những chiếc khăn Matơra, khăn choàng, xà rông, túi xách thổ cẩm... hoặc thu mua của những chị, em ở trong xóm để giới thiệu cho khách du lịch.

“Đó là những sản phẩm truyền thống của dân tộc, không chỉ giúp bà con có thêm thu nhập mà còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu nét văn hóa của dân tộc Chăm đến gần hơn với bạn bè khắp nơi”- ông Haji Zacky giải thích.

Hiện nay, đường nông thôn ở các xóm Chăm cơ bản đã được nhựa hóa 100%. Song song đó, đã thành lập 6 KDC ở các xã: Quốc Thái, Nhơn Hội, Vĩnh Trường, Châu Phong, Khánh Hòa…

Theo ông Go Sa Ly, Chánh Văn phòng BĐD cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang, nhằm bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, tại 16 tiểu thánh đường và 12 thánh đường trên địa bàn tỉnh, người Chăm mở nhiều lớp dạy kinh Qur’an, cùng với nhà trường mở các lớp dạy học song ngữ dịp hè.

Điều đáng mừng nhất là hầu hết các xã vùng đồng bào Chăm đều hình thành đầy đủ trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở, còn nơi đông dân cư thì có trường trung học phổ thông. Từ đó, hàng năm có rất nhiều học sinh đi du học nước ngoài (theo chương trình tài trợ và tự túc), chưa kể số lượng học sinh đậu vào các bậc học cao đẳng, đại học ở trong và ngoài tỉnh.

Cùng với sự quan tâm, vận động của chính quyền địa phương, các tín đồ tham gia tốt các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC”. Vào các ngày lễ lớn trong năm, ở các thánh đường đều được chính quyền và đoàn thể từ tỉnh, huyện, xã đến thăm, chung vui, tặng quà, tạo mối quan hệ thân thiết, gắn bó, qua đó, góp phần giữ gìn an ninh trật tự trong xóm ấp và phát huy bản sắc dân tộc.

Trong thời gian tới, BĐD tiếp tục phối hợp cùng chính quyền địa phương chăm lo tốt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS Chăm, giữ gìn và phát huy văn hóa bản sắc của dân tộc. Bên cạnh đó, phát huy ý chí tự vươn lên để làm giàu chính đáng cho bản thân và xã hội, cùng với các ngành chuyên môn hướng dẫn bà con áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ du lịch làng nghề... để kinh tế ngày càng phát triển.

“Cùng với các hoạt động giáo lý, BĐD sẽ tích cực phối hợp với ban, ngành, MTTQ, đoàn thể các cấp kịp thời biểu dương các tín đồ tiêu biểu trong các lĩnh vực. Tiếp tục hưởng ứng tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vận động và giáo dục cho thanh, thiếu niên là con em tín đồ sống có ích cho xã hội” - ông Haji Zacky cho hay.

ÁNH NGUYÊN