Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

09/01/2019 - 07:31

 - “Với sự nỗ lực, nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ làm công tác dân số cùng với việc tiến hành đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động và giáo dục, gắn liền với đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình đến tận người dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào việc giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân” - BS Văn Kim An, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh nhận định.

Các kết quả ấy đã được thể hiện rõ qua các con số của ngành, với ước dân số trung bình năm 2018 là 2.164.151 người, tỷ suất sinh 15,9‰, mức giảm sinh 0,05‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 0,92%, tỷ số giới tính khi sinh đạt 108,3 bé trai/100 bé gái, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm 8,1%, tổng số người thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 109,37% kế hoạch năm (192.932/176.400 người). Đạt được các kết quả đó cần phải ghi nhận sự đóng góp của công tác truyền thông chuyển đổi hành vi, tăng cường các hoạt động truyền thông về DS-KHHGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thông qua chiến dịch truyền thông dân số lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Đó còn là sự phối hợp với Trường Chính trị Tôn Đức Thắng thực hiện tuyên truyền cho học viên là cán bộ lãnh đạo cấp xã, huyện, tỉnh về giới, bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Chi cục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tư vấn cho đoàn viên, thanh niên và học sinh tại 48 điểm trường về các chủ đề tình bạn, tình yêu, giới, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý tuổi vị thành niên, thanh niên. Phối hợp UBMTTQVN, Phòng Dân tộc huyện thực hiện hoạt động truyền thông cung cấp thông tin dịch vụ về dân số và phát triển; triển khai tổng đài tư vấn “Hạnh phúc cho mọi nhà” số 1900.54.55.86. Các huyện, thị xã, thành phố tổ chức truyền thông tốt ở cơ sở về tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho nhóm tiền hôn nhân, câu lạc bộ không sinh con thứ 3, hướng tới các đối tượng khó tiếp cận là người lao động di cư tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Duy trì mức sinh hợp lý để nâng cao chất lượng dân số

Công tác cung cấp dịch vụ kế KHHGĐ được đảm bảo tốt. Trong năm đã triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số tại 5 xã thuộc huyện Tri Tôn, với các dụng cụ, thuốc tiêm, cấy tránh thai cho nam giới và phụ nữ. Cùng với đó là tăng cường tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh với số lượng bà mẹ được sàng lọc trước sinh là 13.777 người (đạt 40% số phụ nữ mang thai), số trẻ em được sàng lọc sơ sinh là 12.010 trẻ em (đạt 34,9% tổng số trẻ sơ sinh), số cas nghi ngờ là 118 cas và đã xác định bệnh 45 cas. Với đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, Chi cục DS-KHHGĐ đã duy trì 156 câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên, với 4.815 thành viên tham gia. Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân ngày càng phát triển với 156 câu lạc bộ, với 4.600 thành viên tham gia.

Thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Với mục tiêu cơ bản ước tính dân số trung bình năm 2019 là 2.166.589 người, mức giảm tỷ suất sinh 0,05‰, tỷ số giới tính khi sinh là 108,4 trẻ em trai/100 trẻ em là gái, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại 75,55%, tỷ lệ bà mẹ được sàng lọc trước sinh 50% (14.883 phụ nữ mang thai), tỷ lệ trẻ em được sàng lọc sơ sinh 30% (8.930 trẻ sơ sinh), tăng số người mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 177.400 người, tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm là 10%. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông chuyển đổi hành vi, cung cấp dịch vụ KHHGĐ, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh và người cao tuổi.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG