Tháng Chạp - Thương về cố xứ

12/01/2018 - 01:06

 - Mấy hôm trước, lần giở tờ lịch năm mới, mẹ tôi bần thần, nhẩm tính hồi lâu. Thì ra, tháng Chạp đang chậm rãi đến. Gần chạm ngưỡng “thất thập”, đối với bà, Tết chỉ khiến mái tóc bà nhiều hơn một sợi bạc, lại bớt đi một ít thời gian sống cùng con cháu. Không mong Tết, nhưng bà trông ngóng tháng Chạp!

Hơn 20 năm trước, ông ngoại tôi mất vào giữa tháng Chạp, sau cơn bệnh nặng. Con cháu bỏ dở công việc bề bộn của thời điểm cuối năm. Lo đám tang xong, chẳng ai còn tâm trạng ăn Tết. Tháng Chạp năm ấy buồn bã trôi qua, khắc sâu nỗi mất mát vào ký ức mọi người. Khi thương tiếc phai nhạt dần theo thời gian, những tháng Chạp sau đó trở thành dịp hội tụ con cháu, đông đủ hơn cả ngày Tết.

Gần đến ngày giỗ ông ngoại, mẹ vừa chuẩn bị quần áo, vừa dặn dò cha con tôi đủ thứ, rồi lặn lội đi xe đò, vượt cả trăm cây số về quê. Chẳng có điều kiện góp tiền tổ chức giỗ, bà dùng tấm lòng hiếu thảo để dọn dẹp phủ thờ, quét dọn sạch sẽ, tham gia nấu nướng, dọn dẹp cùng cánh phụ nữ trong bếp. Đàn ông thì lo dọn mâm cúng kiếng, tiếp khách, khề khà bên ly rượu để chia sẻ chuyện nhà, chuyện đời.

Đám giỗ hầu như đủ mặt mọi người, trở thành dịp đoàn tụ cả nhà trước năm mới. Mấy chục năm trôi qua, cũng là ngần ấy năm mẹ tôi sống xa quê. Có một ngày đặc biệt của gia đình như thế, nên bảo sao, mẹ tôi không thể không bần thần vì tháng Chạp!

Bữa cơm gia đình

Bữa cơm gia đình 

 

Ông James Nguyen rời Việt Nam 35 năm trước, khi vừa tròn 12 tuổi. Bao nhiêu năm xa quê, ông vẫn không thể quên hình ảnh đồng ruộng mênh mông, tiếng trâu cày vất vả. Tâm sự với tôi, ông cẩn thận lục lại ký ức: “Tôi nhớ, sáng sớm tôi đi học ở trường, khi về là quăng cặp, ra ruộng giúp gia đình. Quê hương vẫn nằm sâu trong tim, khi mẹ già và người thân của tôi còn sinh sống”.

Mỗi lần về Việt Nam, ông nôn nao, hạnh phúc vì được trở về xứ sở, được nghe tiếng nói của đất nước mình, được nhìn thấy vùng sông nước miền Tây đậm đà tình nghĩa. Mấy tháng trước, mẹ ông qua đời. Bởi vậy, Tết này ông không về Việt Nam, không nghe lòng nôn nao Tết như trước nữa... Nhưng ở xứ người, ông vẫn tham gia các hoạt động đón Tết. Hiện giờ, ông đang tập hát bài “Hình bóng quê nhà”, chuẩn bị cho buổi tiệc tân niên sắp tới. “...Nghe quê hương tiếng gọi mời thương những ngày tha phương/ Trong cõi đời ta, giữ bên lòng hình bóng quê nhà” - câu hát như thay tiếng lòng của ông và những người con xa xứ khác, cất lên trĩu nặng nỗi nhớ mông lung!

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người thương nhớ tháng Chạp. Anh Huỳnh Tiến (ngụ phường Châu Phú A, TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Tôi xa quê, đến TP. Long Xuyên lập nghiệp hơn 20 năm. Nhà chỉ còn mẹ tôi sống cùng họ hàng lân cận. Lúc ấy, thu nhập có được, vun vén lắm mới đủ dùng. Nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Chạp là tôi về nhà thường xuyên hơn.

Tuần này, tôi lau dọn nhà cửa, chỉnh lại mái hiên trước sân. Tuần sau, tôi ra chợ, chọn chậu mai đẹp chưng Tết, mua ít bánh kẹo, dây kim tuyến, đèn nhiều màu. Tuần sau nữa, tôi đem quà tặng, lịch của cơ quan về cho mẹ... Nhà dẫu nghèo, dẫu nhỏ, nhưng cũng phải có Tết như ai. Bây giờ, cuộc sống đỡ hơn trước, tôi lập gia đình và sinh sống ổn định ở Long Xuyên. Chỉ có điều, mẹ vắng bóng, tôi chẳng còn dịp về quê để chuẩn bị Tết như xưa. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi đã có những tháng Chạp rất ý nghĩa, không thể nào quên”.

Có người bảo, tháng Chạp đôi khi còn vui hơn cả Tết. Ngoài việc sắm sửa, chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết cận kề, người ta còn khắc khoải trở về nhà, làm tròn bổn phận con cháu bằng 2 lễ cúng lớn: đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), rước ông bà (30 tháng Chạp).

Chợ Tết đông nườm nượp, người mua kẻ bán tất bật. Đi chợ xong, phải về bày biện, nấu nướng, chuẩn bị cúng kiến theo phong tục. Chính những phút giây tất bật ấy mới làm người ta cảm nhận rõ ràng nhất không khí tháng Chạp - những ngày cận Tết. Và tháng Chạp cũng chất chứa đầy đủ mong ước cho năm mới: Ai ai cũng mong ông Táo cưỡi cá chép về trời, trình tấu với Ngọc Hoàng mọi điều tốt đẹp của gia đình mình, nguyện cầu cho năm mới suôn sẻ, bình an. Ngày rước ông bà, con cháu làm mâm cơm cúng. Bữa cơm tất niên - đầy đủ người thân trong nhà lẫn tổ tiên đã khuất - trở thành hoạt động tống tiễn tháng Chạp, nghênh đón tháng Giêng.

Tháng Chạp bịn rịn trôi qua, chắc chắn sẽ khiến người ta nuối tiếc. Bởi, mấy ngày Tết qua nhanh như gió thổi, họ phải chia tay quê nhà, trở lại xứ lạ, tiếp tục hành trình mưu sinh. Lúc ấy, người ta lại ước: phải chi, bây giờ vẫn còn tháng Chạp!

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG