Thấy gì từ vụ đình công ở Công ty TNHH May mặc Lu An

14/03/2019 - 09:13

 - 3 ngày đình công (9-3, 11-3, 12-3) tại Công ty TNHH May mặc Lu An (Khu công nghiệp Bình Hòa, Châu Thành) là vụ đình công quy mô và kéo dài nhất từ trước đến nay tại An Giang. Qua những phản ánh của công nhân và tình hình thực tế cho thấy, nhiều vấn đề cần được quan tâm hơn trong môi trường lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có chủ sử dụng lao động là người nước ngoài. Đó là chuyện thích nghi, hài hòa trong văn hóa giao tiếp, ứng xử; vai trò của công đoàn cơ sở làm cầu nối giữa chủ doanh nghiệp và công nhân; nhận thức của công nhân về pháp luật và tác phong trong môi trường công nghiệp... đòi hỏi phải kịp thời, sâu sát hơn để tạo sự đồng thuận.

Vụ đình công kéo dài căng thẳng bộc lộ những bức xúc của người lao động “âm ỉ” trong thời gian dài được cho là từ khi Tổng Giám đốc Liu Jin Ninh về điều hành. Những kiến nghị chưa được giải đáp thỏa đáng, kịp thời liên quan chính sách, cách quản lý của công ty chưa phù hợp với người lao động Việt Nam và một số hành động gây phản cảm khiến công nhân làm việc không thoải mái. Một số quy định như: đi uống nước, xin nghỉ phép, gỡ bỏ gương trong nhà vệ sinh, khám bệnh ở phòng y tế trong công ty... nhìn bề ngoài như “vụn vặt”, nhưng lặp đi lặp lại mà không có sự trao đổi, giải quyết hợp lý. Giữa doanh nghiệp người nước ngoài và người lao động chưa có sự hài hòa do bất đồng ngôn ngữ, cách giao tiếp, ứng xử khiến công nhân cho rằng, người quản lý không tôn trọng mình. Đặc biệt là những thông tin chưa rõ ràng, thống nhất về định mức lao động, tiền lương và các chế độ phúc lợi khác dẫn đến cách hiểu sai lệch, lan truyền trong đám đông khiến sự việc trở nên nghiêm trọng.

Công nhân Công ty TNHH May mặc Lu An

Về tổ chức công đoàn, Công ty TNHH May mặc Lu An hiện là doanh nghiệp duy nhất trong Khu công nghiệp Bình Hòa có cán bộ công đoàn chuyên trách do công đoàn cấp trên cử vào làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp Tô Minh Lắm, thời gian qua, vai trò của cán bộ công đoàn chuyên trách ở công ty hầu như bị động. Công ty đưa lý do liên quan đến khách hàng, bí mật sản xuất nên cán bộ công đoàn chuyên trách không thể vào xưởng tiếp cận đến từng tổ và công nhân lao động. Không riêng tình hình tại Công ty TNHH May mặc Lu An, việc đưa hoạt động công đoàn và tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật vào doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều khó khăn. Vì vậy, công đoàn không có nhiều cơ hội và thời gian để tiếp cận và nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của người lao động; người lao động ít được tạo điều kiện nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng như giải đáp những thắc mắc, ý kiến về quyền lợi, lợi ích khi làm việc tại công ty.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Hữu Giang cho biết, những ngày qua, các sở, ban, ngành, công đoàn và doanh nghiệp đã rất nỗ lực vận động người lao động trở lại làm việc. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp khắc phục những thiếu sót của mình và cần xem xét, giải quyết hợp lý để ổn định tình hình của người lao động. Sáng 13-2, hơn 90% công nhân đã trở lại làm việc bình thường, không có kiến nghị mới. Trong 3 ngày đình công, doanh nghiệp đã thiệt hại rất lớn, gia tăng chi phí sản xuất, mất uy tín với khách hàng, đình trệ sản xuất và quan điểm rất cương quyết với người lao động. Tuy nhiên, nhờ sự kiên trì, vào cuộc tích cực của các sở, ngành, doanh nghiệp thấy được thiện chí của công nhân, họ đã chấp thuận trả lương 3 ngày đình công. Thông tin này được thông báo bằng loa đến từng xưởng, chuyền khiến công nhân rất phấn khởi. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Hữu Giang nhận định: “Nhìn toàn diện sự việc, doanh nghiệp đã có sự xem xét, giải quyết hợp lý. Đồng thời, họ tin tưởng hơn vào tổ chức công đoàn, cam kết sau này sẽ tạo điều kiện cho công đoàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động nhiều hơn; triển khai nội quy, quy chế cho công nhân biết những việc được làm và không được làm”.

Theo Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Nguyễn Minh Phong, trong những ý kiến của công nhân, có những việc tuy nhỏ nhưng không giải quyết ổn thỏa, lâu ngày sẽ trở thành vấn đề lớn. Về thái độ, hành vi của người quản lý, công ty cam kết sẽ khắc phục. Về tiền lương, thưởng và các phúc lợi liên quan, Ban Giám đốc công ty sẽ cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh có cuộc họp riêng, trao đổi để có định mức chung đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nội dung này sẽ có trả lời chậm nhất ngày 22-3. Vụ đình công này một lần nữa đòi hỏi sự bức thiết xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, thật sự đồng cảm giữa người sử dụng lao động và người lao động, trong đó vai trò của công đoàn là rất lớn. Công đoàn cần được tạo điều kiện để thực hiện đúng chức năng của mình trong doanh nghiệp, gần gũi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và kết nối với doanh nghiệp để cùng doanh nghiệp giải quyết hợp tình, hợp lý những yêu cầu phát sinh. Song song với hiệu quả sản xuất - kinh doanh, chủ doanh nghiệp phải chấp hành pháp luật, tạo thuận lợi cho công đoàn đi sâu vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật và là chỗ dựa tinh thần của người lao động. Công nhân phải được chăm lo thỏa đáng về đời sống vật chất, tinh thần và làm việc tuân thủ pháp luật để không có những vụ việc tương tự phát sinh.

MỸ HẠNH