Thuốc lá nhập lậu tiếp tục bị tiêu hủy

20/04/2018 - 06:54

 - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 tỉnh khi đề cập đến vấn đề tiêu hủy hay tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, bắt giữ. Các tỉnh có chung đường biên giới với Camphuchia, Lào đã có đề nghị với Trung ương cho chủ trương tái xuất số thuốc lá nhập lậu (còn chất lượng), tuy nhiên đến nay, Trung ương vẫn chưa có ý kiến chính thức.

Ngày 1-7-2016, làm việc với Đoàn công tác của BCĐ 389 quốc gia về tình hình buôn lậu (BL), gian lận thương mại và hàng giả, Giám đốc Sở Công thương, Thường trực BCĐ 389 tỉnh Võ Nguyên Nam đã đề nghị Trung ương cho cơ chế để các tỉnh được tái xuất số thuốc là nhập lậu (bắt giữ được) nhằm chống lãng phí.

Theo ông Nam, nếu cả nước tiếp tục tiêu hủy thuốc lá nhập lậu (còn chất lượng) thì lãng phí rất lớn của cải xã hội, ngân sách Nhà nước phải gián tiếp chi thêm một khoản tiền để tiêu hủy. Trong quá trình tiêu hủy, tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ xảy ra.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Sở Công thương, Thường trực BCĐ 389 TP. Cần Thơ Nguyễn Minh Toại cho rằng, với mức hỗ trợ tiêu hủy thuốc lá nhập lậu theo quy định hiện nay là 2.890 đồng/gói, số tiền trên không đủ chi cho tất cả chi phí có liên quan đến công tác chống BL thuốc lá ngoại, vì vậy việc phòng, chống loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn; với lại, mức kinh phí đó không động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tích cực kiểm tra, ngăn chặn tình trạng BL thuốc lá.

Cùng với An Giang, TP. Cần Thơ, Long An có chung quan điểm, đề nghị Trung ương cho thí điểm tái xuất thuốc lá nhập lậu bắt giữ được. Số tiền tái xuất thuốc lá nhập lậu sẽ được chi cho các lực lượng tham gia chống BL các tỉnh để dùng vào việc mua tin, trang bị thêm phương tiện để phục vụ cho quá trình chống BL.

“Nếu thực hiện tái xuất thuốc lá thì giá bình quân mỗi gói thuốc khoảng 6.000 đồng, trong khi ở phương án tiêu hủy, các lực lượng chức năng chống BL của tỉnh chỉ nhận được tiền hỗ trợ là 2.890 đồng/gói. Số tiền này không thấm vào đâu trong quá trình theo dõi, điều tra, lập chuyên án để bắt giữ thuốc lá do các đầu nậu tổ chức BL. Mặt khác, việc tiêu hủy thuốc lá nhập lậu trong thời gian qua không làm cho tình trạng BL thuốc lá giảm mà có dấu hiệu gia tăng, chính vì vậy An Giang kiến nghị cho tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu là hợp lý…” - Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi chia sẻ.

Trở lại tình hình BL thuốc lá trên địa bàn An Giang trong thời gian qua, mặc dù số tiền hỗ trợ không đáp ứng được yêu cầu cho công tác chống BL thuốc lá, nhưng các lực lượng chức năng của tỉnh như: công an, hải quan, biên phòng và quản lý thị trường không ngừng nỗ lực, làm hết trách nhiệm, tìm mọi biện pháp để ngăn chặn tình trạng BL thuốc lá. Năm 2017, các lực lượng chức năng tham gia chống BL đã kiểm tra, phát hiện vi phạm 2.149 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu (giảm 18% so cùng kỳ). Tổng trị giá bắt giữ trên 58,6 tỷ đồng (tăng 6,9% so cùng kỳ). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu trên 19,7 tỷ đồng, trong đó thuốc lá nhập lậu bắt giữ được 1.403.188 gói, tăng 66% so với năm 2016. Năm 2017, Cơ quan Thường trực BCĐ 389 tỉnh (Chi cục Quản lý thị trường) làm đầu mối tổ chức thu gom, tiêu hủy được 4 đợt với tổng số lượng 1.021.687 gói.

Từ đầu năm 2018 đến nay, Cơ quan Thường trực BCĐ 389 tỉnh đã tổ chức thu gom, tiêu hủy được 2 đợt, mỗi đợt trên 300.000 gói. Như vậy, khi Trung ương chưa có ý kiến chính thức về vấn đề cho tái xuất số thuốc lá nhập lậu thì từ nay đến cuối năm, số thuốc lá nhập lậu được các cơ quan chức năng chống BL bắt giữ được trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục bị tiêu hủy, điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về chuyện lãng phí tài sản của xã hội…

 “Việc xử lý như thế nào số thuốc lá nhập lậu mà các lực lượng chống buôn lậu bắt giữ được, đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải. Trước đây, đã có thời gian, Trung ương cho sử dụng số thuốc này vào việc tái chế để bán ở thị trường trong nước, Hiệp hội Thuốc lá đã thực hiện chủ trương này nhưng hiệu quả đạt không cao bởi quá trình tái chế, chúng ta lấy lại các sợi thuốc của các nhãn hiệu trộn vào nhau rồi cho ra đời một nhãn hiệu mới, trong khi trước tái chế, mỗi nhãn hiệu có một hương vị khác nhau, khi trộn vào nhau thì rất khó” - ông Nguyễn Thành Thật, đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam.

 

Bài, ảnh: MINH HIỂN