Trắng tay vì thiên tai

05/12/2018 - 07:21

 - Thiên tai thường xảy ra bất ngờ, khiến con người đột nhiên mất tất cả tài sản, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vụ sạt lở mới nhất vào ngày 3-12 tại tổ 14, khóm Tây Khánh 5, phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên) tiếp tục minh chứng cho sự tàn phá khủng khiếp của tự nhiên. Phút chốc, 6 hộ gia đình, 16 nhân khẩu rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, hàng chục hộ dân lân cận lo lắng, bàng hoàng.

Theo người dân địa phương, vụ sạt lở xảy ra vào lúc 11 giờ trên sông Rạch Giá - Long Xuyên, trong khi trước đó không hề có dấu hiệu gì, lại diễn biến nhanh. Do đó, nhiều tài sản và đồ đạc trong nhà không kịp di dời đã bị “bà thủy” nuốt chửng.

May mắn là vụ sạt lở xảy ra vào ban ngày, mọi người đều đi vắng, nên không gây thiệt hại về người. Thời điểm trên, căn nhà của ông Dương Thanh Liêm (sinh năm 1963) bất ngờ bị sụp xuống sông. Căn nhà có diện tích 90m2, gồm 6 nhân khẩu đang sinh sống bằng nghề sản xuất bún.

Ông Liêm đau xót kể lại: “Khoảng 10 giờ 20 phút, cháu nội tôi đi giao bún về, hỏi tôi “Ông nội, sao cái nhà bị răn nứt vậy?”. Tôi nói để kiểm tra lại. Vừa lúc ấy, nghe “rắc rắc”, tôi đuổi các cháu ra ngoài, chạy đi nhờ người khỏe mạnh giúp một tay kéo món đồ nào ra được đỡ món đó. Trong bụng tôi nghĩ thế nào cũng có sự cố. Vừa chạy về tới nhà, tôi nghe tiếng “rầm”, nguyên lò bún ào xuống sông. Tất cả đều mất hết, tôi không lấy được món gì cả!”.

Các hộ dân nhận tiền hỗ trợ từ UBMTTQVN tỉnh

Nhà ông Liêm sụp, kéo theo căn nhà bên cạnh của ông Nguyễn Hoàng Út (cho thuê đồ cưới) và hộ Ngô Kim Cương (bán tạp hóa) cùng rơi xuống sông.

Ông Nguyễn Hoàng Út khổ sở kể lại: “Một người hàng xóm chạy qua gặp tôi, xin số điện thoại để cắt đường dây điện 3 pha, vì phát hiện có hiện tượng răn nứt. Ai dè, căn nhà tôi sụp xuống sông liền, không trở tay kịp, toàn bộ tài sản mất hết, tôi chỉ còn bộ đồ đang mặc”.

Kể cả 2 chiếc xe máy của ông đang dựng trong nhà cũng chịu chung số phận! Theo ước tính ban đầu, vụ việc khiến 3 căn nhà (gồm 6 hộ, 16 nhân khẩu) bị thiệt hại hoàn toàn, 1 căn nhà và 1 trại bán cừ tràm của người dân bị ảnh hưởng. Đoạn sạt lở trải dài khoảng 30m, rộng 15m. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu trên 1,5 tỷ đồng.

Người dân trong khu vực khẩn trương di dời tài sản

Khu vực sạt lở nằm ngay trên tuyến Tỉnh lộ 943, tiếp giáp giữa TP. Long Xuyên và Thoại Sơn, lưu lượng phương tiện qua lại rất đông. Ngay sau khi sạt lở, lãnh đạo UBND thành phố cùng các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đã đến khảo sát khu vực sạt lở.

Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Hòa Trần Minh Đúng cho biết: “Hay tin vụ sạt lở, lãnh đạo phường tập trung chỉ đạo các lực lượng bảo vệ dân phố, công an, dân quân tự vệ, ban khóm cùng thành phố và tỉnh di dời các vật dụng trên khu sạt lở.

Đồng thời, kết hợp phân luồng, điều tiết giao thông, nhằm đảm bảo an toàn, thông suốt cho người dân lưu thông qua khu vực sạt lở trước khi tìm các phương án căn cơ để khắc phục. Chúng tôi tập trung xuống địa bàn để giúp đỡ nhân dân trong giai đoạn khó khăn này. Thời gian tới, tiếp tục theo dõi diễn biến của sạt lở, cập nhật thường xuyên chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố để thực hiện”.

Bên cạnh các giải pháp trên, địa phương còn động viên bà con đến nhà người quen ở tạm. Riêng đối với những hộ không có chỗ ở, địa phương sẽ bố trí chỗ ở tạm tại văn phòng khóm hoặc hỗ trợ thuê nhà trọ trong thời gian chờ thành phố sắp xếp, bố trí nền tái định cư. Ngoài ra, địa phương vận động các hộ dân sống lân cận nằm trong diện có nguy cơ sạt lở chủ động di dời đồ đạc, tài sản và tìm nơi ở tạm, nhằm hạn chế những thiệt hại đáng tiếc về người, tài sản, đề phòng trường hợp sạt lở tiếp tục xảy ra.

Ngay sau đó, ông Phạm Thành Thái, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên dẫn đầu đoàn công tác Thành ủy, UBND, UBMTTQVN thành phố đến trao tiền hỗ trợ cho 6 hộ dân bị thiệt hại. Sau khi tìm hiểu tình hình, diễn biến vụ sạt lở, đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên và trao mỗi hộ gia đình 10 triệu đồng, nhằm kịp thời chia sẻ những khó khăn hiện tại.

Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương bố trí, sắp xếp chỗ ở tạm đối với những hộ dân không có chỗ ở; phân công lực lượng phân luồng, điều tiết giao thông; giăng dây, cấm biển và đèn báo hiệu để người dân biết khu vực sạt lở nguy hiểm. UBMTTQVN tỉnh đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho mỗi gia đình 5 triệu đồng, giúp họ trang trải phần nào khó khăn trong cuộc sống.

Một lần nữa, sạt lở bờ sông tiếp tục là mối nguy hiểm, đe dọa đời sống của người dân sinh sống ven sông, rạch. Không thể sống chủ quan trên “miệng thủy thần”, mà người dân cần nâng cao cảnh giác, thực hiện theo các khuyến cáo của địa phương, ngành chức năng. Đã đến lúc phải thay đổi thói quen cất nhà ven sông, rạch. Tuy điều đó chẳng dễ dàng, nhưng dù sao vẫn tốt hơn đến khi xảy ra sự cố, chỉ có thể đau xót nhìn toàn bộ tài sản tích cóp của gia đình chìm xuống đáy sông.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG