Vấn đề an toàn lao động trong xây dựng

16/04/2019 - 07:57

 - Thi công xây dựng là nhóm ngành có độ rủi ro cao về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt, hiện nay rất nhiều công trình thi công do nhà thầu tư nhân có quy mô nhỏ, sử dụng lao động tự do và không áp dụng các biện pháp bảo hộ lao động. Điều này rất thiệt thòi cho người lao động và rủi ro tai nạn nghiêm trọng.

Nhiều công trình xây dựng nhà ở thiếu an toàn cho người lao động và môi trường xung quanh

Quan sát nhiều công trình xây dựng nhà ở hiện nay, đáng lo ngại là chủ sử dụng lao động lẫn người lao động đều không mấy quan tâm đến vấn đề bảo hộ an toàn trong quá trình làm việc. Nhiều công trình nhà ở đang xây dựng sử dụng lao động nữ, làm việc trên cao, thản nhiên chuyền gạch, phụ vận chuyển nguyên liệu từ dưới đất lên các tầng trên cao. Ngay cả công trình cũng không được rào chắn để đảm bảo an toàn cho người và nhà ở xung quanh. Một số chủ thầu giải thích: dù có trang bị giày, nón, dây đai… nhưng lao động không chịu sử dụng vì “không quen”, không thể ép buộc họ. Có cả các nhóm thợ tự tổ chức thi công, lao động đủ độ tuổi gồm cả nam và nữ, cao tuổi nhất đã ngoài 60. Đơn cử như trường hợp bà N.T.T. ở phường Đông Xuyên (TP. Long Xuyên) đã theo nghề phụ hồ mấy chục năm nay. “Nối nghiệp” bà còn có 3 đứa con, rải rác làm việc theo các nhà thầu nhỏ và không cố định, chỗ nào trả tiền công cao hơn thì đến làm. Nhóm bà T. tham gia xây dựng nhà ở là lao động đến từ các địa phương lân cận TP. Long Xuyên. Những vấn đề được người ngoài thắc mắc về tập huấn an toàn lao động, thực hiện biện pháp lao động khi làm việc, đối với bà và nhiều người khác là điều chưa từng có. Theo chia sẻ của nhiều người, hầu hết người lao động làm việc ở các công trình xây dựng đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau nhiều năm đi theo thầu lớn, nhiều người tự tách ra và tập hợp thành nhóm mới, nghề dạy nghề, ai cũng tự tin đã quen công việc. Đặt trường hợp có rủi ro, họ cho rằng đó cũng là việc chẳng may và đành chịu!

Thực tế hiện nay cho thấy, tai nạn lao động xảy ra ở các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do thầu tư nhân hoặc công ty xây dựng quy mô nhỏ thi công thường không hiểu biết và chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Công nhân làm trong lĩnh vực này là lao động thời vụ và lao động tự do, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn. Tai nạn không chỉ xảy ra do sự cố kỹ thuật, mà còn xuất phát từ sự chủ quan của chủ sử dụng lao động và người lao động. Đa số chỉ lo khắc phục khi sự cố xảy ra mà ít quan tâm phòng ngừa tai nạn ngay từ đầu. Chính sự chủ quan, bỏ qua các quy định về đảm bảo an toàn trong khi làm việc là nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn lao động thương tâm. Điển hình như vụ tai nạn xảy ra hồi tháng 1 tại công trình xây dựng tòa nhà cao tầng thuộc khóm Vĩnh Tây 1 (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) khiến 3 công nhân tử vong. Nhóm công nhân gồm 3 người (2 nam, 1 nữ) đang đổ bê-tông ở tầng 4 thì bất ngờ rơi xuống đất làm 2 người tử vong tại chỗ, 1 người bị thương nặng sau khi được đưa đi cấp cứu cũng đã qua đời. Nguyên nhân tai nạn được xác định do không đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công, kết cấu giàn giáo không chắc chắn dẫn đến bị đổ sập.

Hàng năm, tập trung cao điểm Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức an toàn lao động và tư vấn chế độ, chính sách liên quan. Đồng thời, lập đoàn liên ngành đến kiểm tra, thanh tra, giám sát về an toàn lao động tại doanh nghiệp, đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhà thầu chạy đua cả thời gian và số lượng, nhất là hoạt động trong các công trình quy mô nhỏ, muốn quản lý và kiểm tra là điều rất khó. Cần có sự phối hợp của nhiều ngành để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề; vận động người lao động chấp hành tốt nội quy, quy trình làm việc an toàn. Trước hết, người sử dụng lao động và người lao động phải nhận thức đúng và tự bảo vệ mình, sử dụng phương tiện bảo hộ trong lao động, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bảo đảm an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động.

NGUYÊN NGUYÊN