Xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm dược liệu An Giang

05/07/2018 - 04:57

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, An Giang hội đủ các yếu tố để cây dược liệu phát triển. Công tác khai thác, bảo vệ, bảo tồn nguồn dược liệu tự nhiên và gây trồng còn giúp nông dân có thêm thu nhập từ nguồn tài nguyên quý giá này. Với việc xây dựng logo nhãn hiệu cho các cây thuốc sẽ giúp An Giang nâng cao tầm giá trị, tiến đến phát triển bền vững thương hiệu của địa phương.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 80% dân số ở các nước vẫn dựa vào thuốc có nguồn gốc tự nhiên trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Xu hướng sử dụng cây thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên trên thế giới ngày càng tăng, bởi ít tác động có hại và phù hợp với cơ thể con người. An Giang có nhiều lợi thế trong việc trồng dược liệu, tuy nhiên việc khai thác quá mức, dẫn đến mất cân đối trong khai thác và trồng mới. Chủ yếu sản phẩm bán dưới dạng thô hoặc sơ chế cắt lát, bột và chưa có nhãn hiệu, chưa có hướng dẫn và thời hạn sử dụng… Sản xuất thuốc từ thảo dược ở An Giang vẫn còn là một thị trường nhiều tiềm năng, cần sự hợp lực giữa “4 nhà”: Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu doanh nghiệp bắt tay hợp tác nên con đường phát triển vùng nguyên liệu trồng cây thuốc tập trung vẫn chưa thể hình thành. Các sản phẩm dược liệu của nông dân trồng vẫn ở hình thức tự túc, quy mô nhỏ lẻ, chưa được khuếch trương rộng lớn vì đầu ra vẫn còn khó khăn... Đây là thách thức không hề nhỏ trong việc đưa dược liệu Bảy Núi- An Giang trở thành thương hiệu trên thị trường.

Những sản phẩm dược liệu được đóng gói, có nhãn mác... tạo được sự tin tưởng từ người tiêu dùng.

Để giải bài toán khó này, thời gian qua, ngoài việc phối hợp thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã xây dựng “Phần mềm tra cứu cây thuốc An Giang” cho phép người dùng tìm kiếm, nắm rõ thông tin về những cây dược liệu quý ở vùng Thất Sơn. Phần mềm này được số hóa từ quyển sách Cây thuốc An Giang (tác giả Võ Văn Chi).

Theo ông Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), chỉ với vài thao tác đơn giản trên chiếc điện thoại, mọi người có thể dễ dàng tra cứu bằng từ khóa hoặc hình ảnh, giúp ích cho việc học tập, nghiên cứu và sử dụng trong điều trị bệnh… Đồng thời, sản phẩm dược liệu được giới thiệu tại các phiên hội chợ hay trưng bày và bán ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến thương mại ở TP. Hồ Chí Minh…

Bên cạnh việc xây dựng 2 Tổ hợp tác bảo vệ rừng và trồng cây thuốc ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên để đón các nhà đầu tư đến liên kết gây trồng cây thuốc tạo vùng nguyên liệu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn xây dựng 3 logo nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và xét duyệt: bột huyền, rượu đinh lăng, mật ong rừng tràm.

Theo ông Hùng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn tiếp sức với nông dân trồng dược liệu bằng cách đóng nhãn mác, bao bì những sản phẩm dược liệu được sơ chế: sâm đại hành, kim ngân hoa, ngũ gia bì... Bước đầu, những sản phẩm này đã đóng gói trong bao bì, hút chân không, kèm theo những chỉ dẫn địa lý.

“Những sản phẩm có logo, nhãn hiệu đã dần tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Mình đang đi những bước đầu tiên, tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh, đặc biệt ở TP. Hồ Chí Minh. Hy vọng sẽ giữ vững được thị trường và ngày càng mở rộng, xây dựng được thương hiệu dược liệu của tỉnh An Giang...”- ông Hùng chia sẻ.

Với chủ trương mỗi địa phương gắn với 1 sản phẩm đặc trưng, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm đã và đang xây dựng các cây dược liệu ở các địa phương như: Thới Sơn là sâm đại hành, mật ong ở Văn Giáo, An Hảo là Kim ngân hoa, sản phẩm bột huyền ở An Phú...

Việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm dược liệu vẫn rất khó khăn, nên mục đích chính chỉ dừng lại là hướng dẫn nông dân tạo được sản phẩm, sơ chế và bán ngay tại chỗ. Tuy nhiên, đây phải là những sản phẩm sạch, an toàn và có nhãn mác, chỉ dẫn địa lý... để từng bước khẳng định thương hiệu dược liệu Bảy Núi nói riêng và An Giang nói chung.

“Sắp tới sẽ làm 1 gian hàng trưng bày ở khu du lịch núi Cấm, Châu Đốc... Nơi đây sẽ bày bán dược liệu của An Giang, là những sản phẩm tập hợp của nông dân các địa phương để giới thiệu với khách du lịch”- ông Hùng mong muốn.

Hy vọng với những nỗ lực như vậy, sẽ giúp dược liệu ở An Giang phát huy được thế mạnh vốn có. Ngoài việc tạo ra sản phẩm chất lượng sẽ giúp có thêm giá trị kinh tế cũng như nâng cao sức khỏe của cộng đồng.

ÁNH NGUYÊN