Xoài An Giang tự tin “bước vào” thị trường Mỹ

21/05/2019 - 07:59

 - Sự kiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu làm lễ công bố xuất 1 tấn xoài cát Hòa Lộc (đầu tiên) của tỉnh An Giang vào thị trường Hoa Kỳ vừa qua cho thấy, dù Hoa Kỳ là thị trường khó tính nhưng với sự nỗ lực của người nông dân và các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, trái xoài của nông dân An Giang tự tin “bước vào” thị trường khó tính này.

Thị trường chấp nhận

“Để trái xoài Việt Nam vào được thị trường Hoa Kỳ, cơ quan chức năng 2 nước phải mất 10 năm đàm phán và xúc tiến các thủ tục. Cụ thể, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nộp hồ sơ xin mở cửa thị trường từ năm 2009, đến năm 2019 phía Hoa Kỳ mới chấp nhận. Ngày 18-2-2019 tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật phối hợp Văn phòng Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS) tổ chức lễ công bố xuất khẩu xoài của Việt Nam sang Hoa Kỳ” - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phan Thị Thu Hiền thông tin.

Hoa Kỳ là thị trường khó tính nhất thế giới. Tất cả các loại nông sản của các quốc gia khác khi nhập khẩu vào thị trường này phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Ở An Giang, từ năm 1996, các doanh nghiệp của tỉnh đã xuất khẩu cá tra vào thị trường này và đến nay, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu cá tra số 1 của các doanh nghiệp Việt Nam, kế đến là Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU) và thị trường Châu Á. “Nông sản khi vào được thị trường Hoa Kỳ mang ý nghĩa rất lớn đối với nông dân và ngành nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập của người nông dân, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Hoa Kỳ là thị trường cao cấp và khó tính nhưng khi trái xoài đã vào được thị trường này thì 97% thị trường còn lại, xoài của nông dân trong tỉnh sẽ vào được” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư khẳng định.

Để sản phẩm được thị trường chấp nhận, xoài của nông dân trong tỉnh phải đảm bảo điều kiện chung khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ như: phải có chuẩn kỹ thuật và hệ thống truy nguyên nguồn gốc: mã số vùng trồng (PUC), mã số cơ sở đóng gói (PHC), mã số nhà máy xử lý (TFC), điều này có nghĩa là vùng trồng, nhà máy đóng gói và nhà máy xử lý phải đạt chuẩn. Theo đó, yêu cầu biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật áp dụng đối với xoài tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ là chiếu xạ. Như vậy, đến thời điểm này, xoài của An Giang đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật mà USDA đưa ra, tự tin “xâm nhập” vào thị trường khó tính này để phục vụ người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Cơ hội

Tính đến thời điểm này, xoài là trái cây tươi thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, trước đó là thanh long (2008), chôm chôm (2011), nhãn và vải (2014), vú sữa (2017). Như vậy, Hoa Kỳ là thị trường thứ 40 của trái xoài Việt Nam. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, các thị trường khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, EU, Úc, Canada… là thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao, sản phẩm phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, quy cách, chất lượng.

Ngay tại lễ công bố xuất khẩu xoài của tỉnh sang Hoa Kỳ, 1 tấn xoài cát Hòa Lộc của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn) đã được Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu (ấp Nhơn Phú, Hòa Nghĩa, Chợ Lách, Bến Tre) mua và xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ bằng đường hàng không. Đơn vị nhập khẩu là Công ty Trái cây nhiệt đới Đại Tân, lô xoài 1 tấn này đạt tiêu chuẩn VietGAP. Giá Công ty TNHH XNK Chánh Thu mua của nông dân cao hơn giá thị trường bên ngoài ít nhất 15%, cụ thể xoài cát Hòa Lộc là 60.000 đồng/kg và xoài Cát Chu là 40.000 đồng/kg. Hiện Công ty TNHH XNK Chánh Thu đang liên kết với nông dân ở 5 xã của 3 huyện Chợ Mới, Tri Tôn và Tịnh Biên để trồng xoài và xuất khẩu xoài sang những thị trường khó tính. Tất cả diện tích này phải được cấp chứng nhận VietGAP, hiện An Giang đã cấp chứng nhận VietGAP cho 193ha xoài của nông dân. “Việc Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu đưa xoài cát Hòa Lộc sang Hoa Kỳ mở ra cơ hội lớn cho trái xoài của nông dân trong tỉnh. Chúng tôi cảm thấy rất vui mừng, vì sản phẩm làm ra đáp ứng được tiêu chuẩn, kỹ thuật của các thị trường cấp cao và khó tính. Kể từ đây, thị trường cho trái xoài không còn bấp bênh như trước, đời sống người trồng xoài sẽ được nâng lên” - ông Nguyễn Văn Bé (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu) phấn khởi.

Xoài tươi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới

Hiện diện tích trồng xoài của cả nước là 99.641ha, sản lượng xoài hàng năm đạt 788.466 tấn, trong đó ĐBSCL chiếm 45,22% diện tích trồng xoài của cả nước. An Giang là tỉnh đứng đầu vùng ĐBSCL có diện tích trồng xoài nhiều (10.247ha), kế đó là tỉnh Đồng Tháp (10.169ha). Cả nước có 46 giống xoài, nhưng các giống được đưa đi xuất khẩu là xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Keo, xoài 3 màu, xoài Úc… Hiện cơ quan chức năng đã cấp được 99 mã số vùng trồng cho các tỉnh phía Nam và 6 mã số vùng trồng cho các tỉnh phía Bắc.

“Xoài nội địa của Hoa Kỳ chủ yếu được trồng tại bang Florida và Hawaii cùng một lượng nhỏ tại bang California và Texas, với tổng sản lượng mỗi năm đạt khoảng 3.000 tấn. Hàng năm, Hoa Kỳ phải nhập khoảng 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ như: Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala. Chất lượng xoài của Việt Nam không hề thua kém xoài của các nước ở Trung Mỹ và Nam Mỹ nên tiềm năng của trái xoài Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ là rất lớn…” - GS.TS Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc VASS kiêm Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam) khẳng định.

MINH HIỂN