Nỗ lực vượt bậc
Ban Quản lý Đầu tư xây dựng khu vực TP. Long Xuyên hiện đang có tỷ lệ giải ngân 62%, cao hơn bình quân tỉnh (48%), được Tỉnh ủy, UBND tỉnh biểu dương, khen ngợi. Đơn vị phụ trách 26 dự án thuộc danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, tổng mức vốn kế hoạch được bố trí 278 tỷ đồng.
Trong đó, 8 dự án hoàn trả vốn ngân sách thành phố sau năm 2020 (được UBND tỉnh chấp thuận); 7 dự án hoàn thành nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng; 1 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư; 1 dự án đang chuẩn bị lựa chọn nhà thầu để thi công; 1 dự án đang thực hiện bồi hoàn, giải phóng mặt bằng; 7 dự án đang triển khai.
“Các dự án được triển khai theo tiến độ, trong đó 4 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng trong quý IV, gồm: Đường dẫn vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh; Trường THCS Triệu Thị Trinh; khắc phục sạt lở bờ Bắc kênh Rạch Giá - Long Xuyên; cải tạo, sửa chữa nhà vệ sinh, công trình nước sạch cho các điểm trường trên địa bàn.
Dự án nâng cấp đường Lê Trọng Tấn (đoạn từ cầu Tầm Bót đến đường Phạm Cự Lượng); đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố đưa vào sử dụng trong quý I, II/2024. Dự kiến, đến hết quý II/2023, chúng tôi giải ngân vốn đầu tư công đạt 75,2% kế hoạch; hết năm 2023 đạt 98 - 99%” - Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng khu vực TP. Long Xuyên Nguyễn Duy thông tin.
Một số công trình đang chậm tiến độ
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Võ Bình Thư cho biết, 2 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư dự kiến hoàn thành giải ngân vốn đúng kế hoạch. Trong đó, dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (đầu tư cho 3 trường phổ thông dân tộc nội trú) đã hoàn tất ký hợp đồng, giao mốc thi công. Cả 2 dự án sẽ giải ngân 100% vào cuối năm nay, không gặp vướng mắc gì.
Đề cao trách nhiệm
Trong khi đó, việc thi công dự án do Ban Quản lý Dự án nâng cấp đô thị Long Xuyên phụ trách vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Gói thầu thi công nâng cấp khu LIA 3, LIA 5 (giá trị hợp đồng trên 27,7 tỷ đồng) gia hạn đến ngày 31/10/2023, nhưng nay mới giải ngân chưa đầy 35%. Tổng khối lượng thi công hoàn thành khoảng 65%.
“Chúng tôi thường xuyên yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện đúng cam kết, hoàn thành kịp tiến độ. Gói thầu thi công rạch Ông Mạnh, Bà Bầu đạt 52%, dự kiến hoàn thành tháng 6/2023, nhưng thực tế triển khai bị trễ, rút ngắn thời gian thi công 240 ngày.
Trong khi đó, hiệp định vay vốn ODA của Ngân hàng Thế giới kết thúc ngày 31/12/2023, được gia hạn thêm theo đề nghị các địa phương đến tháng 6/2024. Được biết, các nhà thầu đang gặp khó về tài chính. Chúng tôi tiếp tục mời các đơn vị liên quan đánh giá lại tiến độ định kỳ 2 lần/tháng, tìm giải pháp đẩy mạnh thi công đạt yêu cầu đề ra” - Giám đốc Ban Quản lý Dự án nâng cấp đô thị Long Xuyên Nguyễn Ngọc Kính chia sẻ.
Theo Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và Khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang Trần Minh Đức, tiến độ giải ngân vốn năm 2023 đến nay được gần 198 tỷ đồng (18,6%). Khó khăn đơn vị gặp phải có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Chủ quan là do chủ đầu tư, đơn vị lập đánh giá tác động môi trường sai sót khi trình thẩm định hồ sơ; nhà thầu khó khăn về tài chính; triển khai giải phóng mặt bằng quá chậm, kéo dài kế hoạch thực hiện. Nguyên nhân khách quan nhiều hơn, liên quan đến vướng mắc lập thủ tục điều chỉnh dự án; thiếu cát san lấp, cát xây tô; chưa giải ngân được vốn ODA; hộ dân biến động về ranh giới thửa đất…
Đến hết tháng 8, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt 48% (cao hơn 8% số ước của Bộ Tài chính). Mục tiêu của tỉnh đến ngày 31/12/2023, vốn năm kéo dài năm 2022 sang năm 2023 phải giải ngân 100%; đến ngày 31/1/2024, vốn 2023 giải ngân tối thiểu 95%. Do đó, theo UBND tỉnh, từng chủ đầu tư, từng ngành, từng cấp phải bám sát mục tiêu này; tiếp tục thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.
“Phải xem việc giải ngân vốn đầu tư là tiêu chí xem xét phân loại hoàn thành nhiệm vụ; là tiêu chí đánh giá cán bộ. Từng chủ đầu tư rà soát thật kỹ tiến độ, khả năng sử dụng vốn của từng dự án, đề xuất tương đối chính xác. Có đơn vị “ước tính” khối lượng giải ngân sẽ làm được, nhưng tôi chẳng an tâm chút nào, vì con số đó không có cơ sở, chỉ xuất phát từ quá trình làm việc với đơn vị thi công.
Trên cơ sở rà soát, dự án nào giải ngân tốt thì tăng vốn; dự án nào không giải ngân được, hoặc giải ngân chậm thì đề xuất điều chỉnh. Vấn đề thuộc thẩm quyền, UBND tỉnh sẽ giải quyết, nếu nằm ngoài thì trình HĐND tỉnh quyết định vào kỳ họp cuối năm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần thường xuyên làm việc với đơn vị thi công, nhà thầu, có biên bản cụ thể; lập kế hoạch chi tiết tiến độ hàng tuần, hàng tháng cho từng dự án; khó khăn đến đâu, tìm cách xử lý đến đó. Dù công việc nhiều, cần thời gian giải quyết theo trình tự, nhưng sở, ngành, Văn phòng UBND tỉnh An Giang phải ưu tiên xử lý hồ sơ giải ngân, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh đến cuối năm.
“Công tác đầu tư xây dựng có rất nhiều quy trình, văn bản hướng dẫn. Rút kinh nghiệm từ năm 2021 đến nay, ngay từ bây giờ, các đơn vị, địa phương cần khẩn trương đánh giá kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, kế hoạch trung hạn để chuẩn bị cho năm 2024. Trên cơ sở đó, xúc tiến nhanh việc chuẩn bị hồ sơ thủ tục, xác định công trình gấp, bức xúc thì càng phải xúc tiến nhanh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.
|
GIA KHÁNH