­­­­­­Chống dịch ở biên giới

19/03/2021 - 06:19

 - Trung tuần tháng 3, tôi đến biên giới An Phú (dài khoảng 40km), nơi đây là điểm sáng đang oằn mình phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh cho người dân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước động viên lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến biên giới huyện An Phú

Tôi không chọn theo con đường Quốc lộ 91C hướng về An Phú mà men theo Tỉnh lộ 957, đây là con đường ven biên quan trọng với nhiều cửa khẩu và chạy dọc theo dòng sông Châu Đốc, lên dòng Bình Di chia đôi bờ biên giới. Sông Bình Di mùa này bắt đầu trơ cạn nước, những bờ bãi đã có cỏ mọc xanh um, lưa thưa vài chiếc ghe chạy ngược xuôi đôi bờ. Biên giới an bình giữa những ngày tâm dịch.

Qua cửa khẩu Vĩnh Hội Đông, lên Phú Hội, rồi đến Khánh Bình, điểm đích tại thị trấn Long Bình, mọi sinh hoạt của bà con ven biên diễn ra bình thường, đại dịch COVID-19 tuy đã và đang ảnh hưởng sâu rộng, nhưng ở đây gần như chưa tác động đến bà con là mấy. Đón tôi ven chân cầu Long Bình - Pray Thum, nối biên giới 2 nước Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn thị trấn Long Bình (An Phú), Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Long Bình Trần Thanh Tùng niềm nở: “Sáng giờ tôi cùng đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và UBMTTQVN huyện lên trao cho phía bạn khẩu trang, nước sát khuẩn giúp phía bạn chống dịch. Bên bạn đang có diễn biến dịch khá phức tạp nên mình giúp được gì ráng vận động để bạn chống dịch tốt, đó cũng là giúp mình”.

Nghe những thông tin anh Tùng cung cấp tôi thấy vui trong lòng. Vậy nhưng, nhớ lại bản tin sáng nay của ngành y tế tỉnh và huyện An Phú cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 phía Campuchia, nhất là các tỉnh tiếp giáp với nước ta đã và đang có thêm nhiều ca mắc mới trong cộng đồng khiến tôi phần nào lo lắng. “Đến giờ bà con ở đây đã quán triệt tinh thần vì cộng đồng, mỗi người dân là một chiến sĩ canh gác đường biên không để cho ai lọt qua biên giới làm lây dịch bệnh” - anh Trần Thanh Tùng trấn an.

Những điều anh Tùng tâm sự càng có cơ sở vững chắc hơn khi thượng tá Nguyễn Hoài Linh, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình cho biết: “Sau sự việc các đối tượng lợi dụng đêm khuya, len lỏi vượt sông Bình Di và một số đối tượng người địa phương tiếp tay tổ chức đưa người vượt biên trái phép, giờ đây bộ đội biên phòng, công an, quân sự địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác giữ chốt ven biên, bà con địa phương rất ý thức trước sự nguy hiểm của dịch bệnh, trở thành “tai mắt”, giúp các lực lượng chức năng giữ biên giới đảm bảo an toàn trước đại dịch”.

Anh Trần Thanh Tùng dẫn chúng tôi đến thăm các cơ sở thờ tự, tôn giáo có đông đồng bào tín đồ ven biên. Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo thị trấn Long Bình Nguyễn Văn Sol chia sẻ: “Ai cũng sợ bệnh, bà con tín đồ đây rất ý thức về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Mình phòng dịch cho mình, gia đình và xã hội. Lỡ có người mắc thì cả nhà, xã, huyện đến cả tỉnh phải cách ly, phong tỏa, mua bán làm ăn không được nên ai cũng ý thức phòng dịch”. Với hơn 2.000 tín đồ/9.420 người dân toàn thị trấn, bà con tín đồ Phật giáo Hòa Hảo nơi đây luôn được ban trị sự tuyên truyền và tuân theo hướng dẫn y tế chống dịch và cam kết trở thành “tai mắt” trong phòng, chống người vượt biên trái phép.

Còn tại họ đạo Cao đài Khánh An - Long Bình, ông Huỳnh Văn Vĩnh (Giáo hữu Thượng Vĩnh Thanh, Cai quản Họ đạo Khánh An - Long Bình) tâm sự: “Trước khi dịch bệnh, bà con ở đây qua lại biên giới thường xuyên, nhưng từ ngày có dịch, họ đạo luôn khuyên bảo nhau không được qua lại biên giới, mình phải phòng, chống dịch bệnh cho mình, gia đình và đồng đạo. Qua lại biên giới vừa vi phạm pháp luật, vừa nguy cơ mắc bệnh rất cao”. Ngồi bên Giáo hữu Thượng Vĩnh Thanh, đồng đạo Lê Thị Diễn (ấp Tân Thạnh, thị trấn Long Bình) chia sẻ thêm: “Trước đây, tôi qua lại biên giới ngày 2, 3 bận để mua bán phế liệu. Khi có dịch bệnh COVID-19, nghe thông tin trên báo đài thấy lo lắng, nên không dám qua lại biên giới”.

Khi số ca mắc COVID-19 bên phía bạn ngày một gia tăng, hàng chục chốt canh gác ven biên phía bạn cũng tăng cường. Theo thông tin người dân nơi đây cung cấp, nếu bất kể người nào vượt biên mà phía bạn Campuchia bắt được đều bị đưa đi cách ly và phạt đến 1.000 USD nên không ai dám qua lại. Dẫn chúng tôi ra phía sông Bình Di, Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Long Bình Trần Thanh Tùng nói thêm: “Giờ biên giới thanh bình lắm, mọi người dân cũng là chiến sĩ giữ biên giới thì làm sao đối tượng nào có thể lọt qua. “Tai mắt” của dân chống dịch là vậy”. “Chống dịch như chống giặc”, chống dịch không chỉ là công việc của những người mang trọng trách nhà nước giao phó, mà công tác chống dịch cũng cần phải dựa vào sức dân.

Dòng Bình Di vẫn lặng lẽ, các chiến sỹ vẫn ngày đêm căng mình cắm chốt, gần 10.000 bà con ở thị trấn nhỏ Long Bình vùng biên An Phú chung tay trở thành những tuyên truyền viên, thành trì, “tai mắt” của lực lượng chức năng giữ bình yên biên giới.

HẢI ANH