“Con trâu là đầu cơ nghiệp” !

11/02/2021 - 06:29

 - Dân gian có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Đây là sự khẳng định vị trí và tầm quan trọng của con trâu trong mỗi gia đình và trong nền văn minh lúa nước. Người Việt Nam xem “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, là tiêu biểu cho vốn liếng của một gia đình.

Trên những cánh đồng ngập nước, có lẽ không có sức kéo tự nhiên nào bằng con trâu, “cổ cày, vai bừa” có thể thao tác trên mọi địa hình. Với bản tính hiền lành, chăm chỉ, cần cù, con trâu không chỉ phục vụ sức kéo mà còn là người bạn thân thiết của biết bao thế hệ nông dân Việt Nam. Nhất là trẻ thơ với hình ảnh “mục đồng” còn lưu giữ rất nhiều trong thơ ca, phim, ảnh… Mỗi khi hè về là lũ trẻ có dịp nô đùa, chăn trâu trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Công việc chăn trâu không chỉ người lớn mới biết, mà bọn trẻ con nhà quê đứa nào cũng thạo.

Ở làng quê, nhất là miền Tây sông nước, hình ảnh con trâu đã trở nên thân quen với nhiều thế hệ. Thậm chí, một giai đoạn dài, con trâu không thể thiếu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đảm đương rất nhiều công việc đồng áng, như: cày, bừa, vận chuyển lúa thóc… Mặc dù làm rất nhiều công việc nặng nhọc nhưng sức khỏe luôn bền bỉ, dẻo dai và dễ nuôi, ít tốn kém (chỉ ăn cỏ, rơm) nên người ta thường nói “khỏe như trâu”, “nuôi trâu 1 vốn, 4 lời”! 

Đất nước đang chuyển đổi mạnh mẽ trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, nền kinh tế đất nước phát triển với nhiều thành tựu mới. Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, như: máy cày, máy xới, máy sạ hàng, máy gặt đập liên hợp... thậm chí còn có máy bay phun thuốc trừ sâu rầy. Cùng với đó, ngày càng đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân, khuyến khích các chủ trang trại mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả và giá trị trên cùng một diện tích canh tác. Nhất là trong điều kiện liên kết sản xuất, thực hiện “Cánh đồng lớn”, mỗi năm sản xuất 3 vụ với năng suất, chất lượng cao và giảm tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch thì khó tìm được bóng dáng “con trâu đi trước, cái cày theo sau” trên những cánh đồng rộng lớn.

 “Kéo lúa giờ ít lắm, chỉ những nơi nào máy móc khó di chuyển thì người ta mới cần trâu kéo. Còn cày bừa thì dùng máy móc hoàn toàn. Bây giờ cả vùng này chẳng thấy ai sử dụng sức kéo của trâu nữa. Bởi vậy, nhiều chủ trại với vài chục con trâu cũng chuyển hướng sang những công việc khác” - một nông dân huyện An Phú nói.

Khoa học - kỹ thuật được tăng cường ứng dụng vào sản xuất để thay thế sức người, sức vật nuôi nên vai trò phục vụ công việc đồng áng của con trâu cũng bị mai một vai trò “đầu cơ nghiệp”. Nhưng những ai sinh ra và lớn lên ở miền Tây thì chắc hẳn vẫn còn hiện hữu trong tâm thức. Thậm chí, không ít “cậu bé mục đồng” ngày ấy giờ đã là tiến sĩ, kỹ sư, mang tri thức truyền dạy cho thế hệ trẻ thời đại 4.0…

Miền Tây là vựa lúa trù phú nhất cả nước, hạt gạo Việt Nam được thế giới biết đến cũng bắt nguồn từ vùng đất miền Tây. Thành quả này là công lao rất lớn của biết bao thế hệ nông dân không quản ngại nắng mưa “tháo chua, rửa phèn” làm ra hạt lúa, trong đó có công lao đóng góp của con trâu để làm nên những vụ mùa bội thu. Và hình tượng con trâu nhắc chúng ta đừng quên cái nền tảng “chân quê”, sự cần cù lao động, vượt qua gian khó để làm giàu cho bản thân và đất nước...

HỮU HUYNH