“Sống khỏe” nhờ mít Thái

29/06/2021 - 05:55

 - Với 8.000m2 đất canh tác mít Thái, ông Phan Minh Ký (ngụ ấp Hậu Giang 1, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã đem về thu nhập cho gia đình trên 300 triệu đồng/năm. Mô hình trồng mít Thái của ông Ký được xét chọn là một trong những mô hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu năm 2021 của xã Tân Hòa.

Có dịp tham quan mô hình trồng trồng mít Thái của gia đình ông Phan Minh Ký, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Trước mắt chúng tôi là vườn mít rộng lớn, cây nào cây nấy đều trĩu quả. Mỗi trái mít được ông nâng niu, bao bọc cẩn thận trong các túi lưới để phòng tránh các loại đối tượng gây hại. Trong đó có nhiều trái to, gai thẳng báo hiệu đang bước vào thời điểm thu hoạch.

Ông Ký giới thiệu, vườn cây ăn trái của gia đình ông rộng khoảng 8.000m2, trồng hơn 500 gốc mít Thái và một số loại cây trồng khác. Về lý do chọn giống cây trồng này, ông Ký cho biết, trước đây, ông thí nghiệm với nhiều loại cây, như: chuối, đu đủ... nhưng hiệu quả mang lại không khả quan. Năm 2017, nhận thấy cây mít Thái đang cho hiệu quả kinh tế cao nên ông quyết định thay đổi, tập trung phát triển mô hình này.

Mô hình trồng mít Thái của ông Phan Minh Ký mang lại hiệu quả kinh tế

4 năm gắn bó với cây mít Thái, ông Phan Minh Ký gần như hiểu rõ “tính nết” của loại cây trồng này. Theo ông Ký, đây là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Thời gian từ lúc trồng đến lúc cây cho trái kéo dài khoảng 18 tháng.

Trong năm, cây mít Thái cho thu hoạch 2 mùa, thời gian thu hoạch có thể kéo dài trong nhiều tháng. Bình quân mỗi cây mít cho 6-7 trái, mỗi trái nặng từ 17-28kg, trái nhỏ từ 15-16kg. Do trọng lượng trái nặng nên ông phải tỉa bỏ những trái đầu cành và trên thân cao, chỉ giữ lại những trái ôm thân và gần gốc để tránh bị gãy nhánh, đồng thời giúp cây trồng cung cấp đủ chất dinh dưỡng nuôi trái.

Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước đã giúp việc canh tác của ông Ký nhiều thuận lợi. Về kỹ thuật chăm sóc, ông Ký cho biết, trước khi gieo trồng, ông sử dụng vôi kết hợp nấm trichoderma để cải tạo đất trong thời gian 1 tuần. Trong quá trình chăm sóc, ông Ký áp dụng cách xử lý bằng phân chuồng và phân lân dọc theo rãnh của liếp trồng mít Thái, lớp trên cùng rải tro để ngăn cỏ mọc. Nhờ cách làm này đã giúp cây sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, cho năng suất trái cao, chất lượng đồng đều.

Trên cây mít Thái không có nhiều sâu bệnh nên chi phí sử dụng thuốc hóa học hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, cần phải chú ý đề phòng bệnh nứt thân xì mủ có thể dẫn đến chết cây. Ngoài ra, tình trạng nứt trái cũng gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng nông sản. Do đó, khi trồng cây mít Thái, phải thường thăm vườn để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, cần bao trái để hạn chế côn trùng gây hại cho trái mít, từ đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại thuốc hóa học khác.

Mít Thái múi nhiều, màu vàng nghệ, ít xơ, cơm dày, giòn và ngọt, có hương thơm nên được thị trường ưa chuộng. “Giá mít Thái có thời điểm rất cao, từ 50.000-60.000 đồng/kg. Tuy nhiên cũng có thời điểm giá xuống thấp nhưng nhìn chung việc trồng cây mít Thái vẫn có lợi nhuận” - ông Ký chia sẻ.

Mô hình trồng mít Thái giúp cho gia đình ông Phan Minh Ký có được nguồn thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Sau 4 năm trồng mít Thái, ông luôn gặp thuận lợi nhờ đầu ra của trái mít ổn định, giá bán khả quan. Dù hiện nay giá bán có giảm nhưng ông kỳ vọng thị trường sẽ sớm phục hồi. Ngoài trồng mít, ông Ký còn tận dụng diện tích đất để trồng thêm đu đủ, chanh, hạnh... Từ các loại cây trồng này, giúp gia đình ông có thêm nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Nhạy bén trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông Phan Minh Ký trở thành tấm gương nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương. Mô hình của ông Ký còn là địa chỉ tin cậy để người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất.

Do diện tích trồng nhiều, quá trình vận chuyển bị gián đoạn bởi dịch bệnh COVID-19, giá mít ở khu vực ĐBSCL có lúc chỉ còn 3.000-4.000 đồng/kg, hiện đang phục hồi lên mức 7.500 đồng/kg. Nếu xây dựng được mối liên kết sản xuất, tiêu thụ tốt giữa nông dân và doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu chế biến những sản phẩm giá trị gia tăng từ trái mít, đây vẫn là loại cây trồng có nhiều triển vọng.

ĐỨC TOÀN