“Uống nước nhớ nguồn”
Năm 1817, khi làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) chú ý đến việc khai hoang vùng đất Thoại Sơn, bởi “nơi đây đất nước hoang vu, mịt mù cây rừng cỏ dại. Lạch nước tuy sẵn có tự bao giờ, nhưng nhỏ hẹp và bùn đọng cỏ lấp, ghe thuyền qua lại không được”. Và thấy được giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, mọi trao đổi hàng hóa giữa sông Hậu và vùng duyên hải Hà Tiên phải đi vòng qua đường biển, ông nghĩ đến việc đào kênh và kiến nghị lên vua. Năm 1818, ông được vua Gia Long giáng chỉ cho đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá.
Kênh đào xong, Thoại Ngọc Hầu đã quy tụ dân đến đây định cư, lập nghiệp ngày càng đông đúc. Đến năm Minh Mạng thứ ba (1822), Nguyễn Văn Thoại lập thôn Thoại Sơn, cho khắc và dựng bia Thoại Sơn. Sách “Đại Nam nhất thống chí” mô tả thôn Thoại Sơn như một nơi phồn thịnh: “Nước khe ngọt, đất phì nhiêu, cỏ cây xanh tốt, dân cư ở quanh theo núi”...
Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm, nhằm ca ngợi công đức của danh thần Thoại Ngọc Hầu và các bậc tiền nhân. Đây còn là dịp tôn vinh những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân huyện Thoại Sơn trong quá trình xây dựng, phát triển. Từ năm 2002, huyện Thoại Sơn đã tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống nhằm phục vụ bà con nhân dân.
Ngày diễn ra Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn là một trong những lễ lớn nhất trong năm của huyện, vì đó cũng là ngày diễn ra Lễ hội Kỳ Yên tại đình thần Thoại Ngọc Hầu. Lễ hội Kỳ Yên đình thần Thoại Ngọc Hầu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo Quyết định 2947/QĐ-BVHTTDL, ngày 16/10/2020.
Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn lần thứ XX năm 2021. Ảnh: Thanh Hùng
Lễ hội Văn hóa truyền thống và kỷ niệm 200 năm danh thần Thoại Ngọc Hầu dựng bia, lập làng Thoại Sơn (1822 - 2022) lần thứ XXI năm 2022 có chủ đề: “Thoại Sơn, sáng danh tên làng - vươn tầm cao mới”. Lễ hội được tổ chức trang trọng, nhưng đảm bảo tiết kiệm, trật tự, an toàn, vui tươi, ý nghĩa, đạt được hiệu quả chính trị và xã hội, với tinh thần xã hội hóa là chính. Các hoạt động phục vụ lễ hội phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.
Lễ hội gồm nghi thức thỉnh sắc, khai mạc, chương trình sân khấu hóa và dâng hương. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao và du lịch trước, trong và sau lễ hội, gồm: Các hoạt động thông tin tuyên truyền, triển lãm, hội thi tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp thân thế của danh thần Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại. Tổ chức các giải thi đấu thể thao ở các trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng, điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao của các xã, thị trấn và tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Truyền thanh huyện Thoại Sơn. Cùng với đó là các hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch Thoại Sơn, tuyên truyền xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao...
Nỗ lực phát triển
Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã đặt ra nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đảm bảo an sinh, giữ vững quốc phòng - an ninh. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự giám sát của HĐND huyện, UBND huyện Thoại Sơn đã tập trung chỉ đạo, điều hành đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH, đồng thời triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. KTXH huyện Thoại Sơn năm qua phát triển ổn định và đạt được kết quả khá toàn diện.
Trong 21 chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy về phát triển KTXH, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đều thực hiện đạt và vượt, trong đó có 14 chỉ tiêu vượt, 6 chỉ tiêu đạt, 1 chỉ tiêu cơ bản đạt. Đặc biệt, thực hiện thắng lợi 2 chỉ tiêu quan trọng trong phát triển KTXH là nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp từ 180 triệu đồng/ha năm 2020 lên 196 triệu đồng/ha và nâng cao thu nhập bình quân từ 54 triệu đồng/người (năm 2020) lên gần 65 triệu đồng/người (năm 2021).
Tiếp nối kết quả đạt được, quý I/2022, KTXH huyện tiếp tục tăng trưởng khá so cùng kỳ. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt kết quả tích cực, đã chuyển đổi 836ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái (đạt 97% kế hoạch), đàn gia súc, gia cầm trên 600.000 con, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Địa phương phát triển mới 14 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho 1.362 lao động, đạt 68% kế hoạch.
Cả hệ thống chính trị ra sức thi đua, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, 200 năm ngày danh thần Thoại Ngọc Hầu dựng bia, lập làng Thoại Sơn, đã tổ chức khánh thành các công trình: Cầu Thoại Giang, cầu Vọng Đông trên Tỉnh lộ 943, cầu Ba Dầu mới (kết nối huyện Thoại Sơn - Châu Thành), công trình Nghĩa trang cán bộ huyện Thoại Sơn và khởi công các công trình: Đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nhà Truyền thống huyện Thoại Sơn… Đặc biệt, tổ chức lễ công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận 2 xã Tây Phú và Vọng Thê đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao”.
PHƯƠNG LAN