Ảnh minh hoạ. (Nguồn: invest.gov)
Ngày 26-12, Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) tiêu biểu năm 2019. Kết quả bình chọn này có sự tham gia của hơn 50 nhà báo theo dõi lĩnh vực ICT.
Bức tranh ICT Việt Nam năm 2019 với 3 điểm nhấn căn bản là việc triển khai các hoạt động để xây dựng Chính phủ điện tử, chiến lược Make in Việt Nam để người Việt tự tin làm chủ công nghệ và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đem lại sự bứt phá cho nền kinh tế.
Dưới đây là 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu trong năm 2019:
1. Bộ Chính trị ra Nghị quyết về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Ngày 27-9, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 đó là duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội. Thuộc nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
2. Xét xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG
Quang cảnh phiên toà xét xử vụ AVG. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Ngày 14-12-2019, Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone, có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng.
Quá trình thực hiện dự án, các bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh... của AVG, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với số tiền hơn 6.590 tỷ đồng.
3. Việt Nam tuyên bố chiến lược Make in Vietnam
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Năm 2019, Việt Nam đã tuyên bố chiến lược “Make in Vietnam” và tổ chức Hội thảo ở quy mô quốc gia để triển khai chiến lược này.
“Make in Vietnam” vừa tạo hiệu ứng truyền thông, vừa thể hiện khát khao, mong muốn, sự chủ động của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ.
Trước chiến lược “Make in Vietnam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng nên một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
4. Việt Nam thử nghiệm mạng 5G
Viettel là một trong những nhà mạng đầu tiên thử thử nghiệm thành công mạng 5G. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngày 10-5-2019, Viettel đã thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam. Ngay sau Viettel, hàng loạt nhà mạng khác tại Việt Nam cũng tuyên bố thử nghiệm thành công 5G và sẵn sàng thương mại hoá năm 2020.
Thử nghiệm 5G năm 2019 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới như bắt kịp những nước đi đầu về 5G trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
5 - Bộ Thông tin và Truyền thông siết chặt quản lý Google và Facebook
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều buổi làm việc để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới với đại diện của các bộ, ngành, công ty dịch vụ quảng cáo, những doanh nghiệp lớn có sản phẩm quảng cáo, các đối tác quản lý mạng lưới đa kênh của YouTube, một số nền tảng nội dung mạng xã hội lớn, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google tuân thủ luật pháp Việt Nam.
6. Vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Ngày 9-12-2019, Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia chính thức ra mắt - đánh dấu mốc quan trọng trong cải cách hành chính của Việt Nam.
Theo lộ trình đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tích hợp tối thiểu 30% các Dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Các năm tiếp theo, mỗi năm sẽ tích hợp thêm 20% Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.
7. Chính phủ đồng ý cho nhà mạng thí điểm Mobile Money
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Courteville Business Solutions Plc)
Đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất cho phép các mạng di động được cung cấp dich vụ Mobile Money và Chính phủ đã đồng ý cho triển khai đề án thí điểm cung cấp dịch vụ này.
Sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nộp hồ sơ để Ngân hàng Nhà nước xét duyệt cấp phép thí điểm cung cấp dịch vụ này cho khách hàng.
Ngay sau khi được Ngân hàng nhà nước cấp phép cho các, doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Mobile Money thì chỉ sau một đêm, 100% các thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới.
8. Ra mắt một loạt mạng xã hội Việt Nam
Mạng xã hội của Việt Nam mang tên Lotus được ra mắt vào ngày 16-9. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Năm 2019 ghi dấu ấn của việc hàng loạt mạng xã hội Made in Vietnam ra mắt. Ngày 23-7, mạng xã hội của Việt Nam mang tên Gapo đã ra mắt. Đến ngày 16-9-2019, VCCorp đã ra mắt mạng xã hội Việt Nam mang tên Lotus.
Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang khuyến khích xây dựng mạng xã hội của Việt Nam, tuy nhiên mạng xã hội của Việt Nam phải khác biệt với Facebook mới có thể tồn tại và phát triển được.
9. Xét xử giai đoạn 2 vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng
Các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ. (Nguồn: TTXVN)
Ngày 25-11-2019, Toà án Nhân dân Tỉnh Phú Thọ mở phiên xét xử ông Đặng Anh Tuấn, nguyên Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ, tháng 10-2016, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện 14 game trên mạng Internet hoạt động có dấu hiệu cờ bạc nên Bộ lập đoàn kiểm tra với 5 thành viên.
Theo cáo trạng, ông Đặng Anh Tuấn không những chỉ đạo mà còn nhắn tin yêu cầu người lập báo cáo ghi thêm đề xuất "dừng đoàn kiểm tra".
Trong 92 bị cáo liên quan đến vụ đánh bạc nghìn tỷ có cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị kết án 9 năm tù, cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa nhận 10 năm tù; Nguyễn Văn Dương bị phạt 9 năm tù, Phan Sào Nam lĩnh 5 năm tù.
10. Chính phủ vận hành hệ thống E-Cabinnet
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ bằng e-cabinet. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Ngày 24-6-2019, hệ thống E-Cabinet chính thức được vận hành. Với hệ thống E-Cabinet, Văn phòng Chính phủ có thể tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, hệ thống E-Cabinet là một bước thí điểm quy trình ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.
Đây là một phương thức làm việc mới, chuyển đổi từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử; Tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, đáp ứng xử lý công việc kịp thời. Muốn triển khai thành công nền kinh tế số, xã hội số thì phải có Chính phủ số mà khởi đầu là sự khai trương của hệ thống E-Cabinet.
Theo MINH SƠN (Vietnam+)