Hồi ức từ người “giỗ sống”
Binh nhất Trần Thiên Phụng, anh là 1 trong 9 chiến sĩ (CS) được coi là đã hy sinh trong sự kiện “Trường Sa - 88”. Trước khi anh trở về sau 9 năm bị giam cầm ở nhà tù Trung Quốc, gia đình, vợ anh Phụng đều lấy ngày 14-3 làm ngày giỗ của anh. Tôi gặp anh Trần Thiên Phụng trong dịp khánh thành Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” ở bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) vào ngày 27-7-2017. Thời gian có thể xóa nhòa hoặc làm cho người ta quên nhiều thứ, song đối với sự kiện “Trường Sa - 88” thì anh Phụng không bao giờ quên.
Đầu tháng 3-1988, Trung Quốc sau khi chiếm giữ trái phép 5 đảo thuộc quần đảo Trường Sa (gồm các đảo Chữ Thập, Châu Viên, Huy Gơ, Ga Ven và Xu Bi) của Việt Nam, lại tiếp tục dã tâm ý đồ chiếm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao với mục đích nhằm kiểm soát cả khu vực cụm đảo Sinh Tồn. Trung Quốc đã huy động lực lượng của 2 hạm đội xuống khu vực quần đảo Trường Sa với 9-12 tàu chiến, 2 tàu hộ vệ pháo, 2 tàu đổ bộ, 3 tàu vận tải LSM… để hỗ trợ.
Đảo Cô Lin sừng sững giữa biển trời Tổ quốc
Ngày 12-3-1988, tàu HQ-605 (Lữ đoàn 125) do đồng chí Lê Lệnh Sơn làm thuyền trưởng được lệnh từ Đá Đông đến đóng giữ đảo Len Đao. Sau 29 giờ hành quân khẩn trương, tàu đã đến đảo và cắm cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam vào lúc 5 giờ ngày 14-3-1988. “Khi tàu HQ-604 vừa thả neo, phía địch đã cho tàu quần thảo xung quanh, bắc loa kêu gọi tàu ta phải nhổ neo. Trung tá Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 (người chỉ huy cao nhất ở khu vực này) kêu gọi anh em bình tĩnh, cắm cờ khẳng định chủ quyền của Việt Nam, hạ xuồng vận chuyển vật liệu xây dựng lên đảo. Nhóm cắm cờ do thiếu úy Trần Văn Phương dẫn đầu đã hoàn thành việc cắm cờ ngay trong đêm” - thiếu tá chuyên nghiệp, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh, nguyên là CS trên tàu HQ-604 trong trận hải chiến Trường Sa 1988, người được coi là sống sót trở về và được gia đình tổ chức làm “giỗ sống” kể lại.
Khoảng 6 giờ sáng 14-3, phía Trung Quốc cho xuồng nhỏ áp sát bãi Gạc Ma, lính Trung Quốc lăm le vũ khí tiến vào đảo yêu cầu quân ta hạ cờ. “Trước tình thế nguy cấp, trung tá Trần Đức Thông đã ra lệnh anh em bơi vào đảo để hỗ trợ nhóm thiếu úy Phương giữ cờ. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh và 3 CS khác lập tức nhảy khỏi tàu HQ-604 bơi vào đảo Gạc Ma. Lúc đó có 9 người trên đảo. Anh em cầm tay nhau kết thành 1 vòng tròn bất tử. Phía trước đối mặt với quân thù, sau lưng là cờ Tổ quốc. “Lúc đó, lính Trung Quốc rất đông. Chúng lăm lăm súng AK hăm dọa. Chúng tôi lúc đó không có vũ khí gì ngoài xà beng đào san hô” - thiếu tá Lanh nhớ lại.
64 LS hy sinh trong sự kiện hải quân nước ngoài dùng vũ lực tàn sát hải quân Việt Nam ngày 14-3-1988, có 1 sĩ quan đeo quân hàm cấp trung tá, 2 sĩ quan cấp đại úy, 3 sĩ quan cấp thượng úy, 2 sĩ quan cấp trung úy, 2 sĩ quan thiếu úy, 1 sĩ quan chuẩn úy. LS là hạ sĩ quan CS có 46 người; 2 quân nhân chuyên nghiệp, 1 LS giữ chức thuyền trưởng, 4 LS giữ chức phó thuyền trưởng, 1 LS giữ chức đại đội trưởng, 3 người giữ chức trung đội trưởng, 2 CS giữ chức tiểu đội trưởng. Dù các anh mang quân hàm cao hay thấp, chức vụ gì, sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử, sống mãi trong lòng Nhân dân Việt Nam.
Hoa tưởng niệm thả xuống lòng biển mẹ
Một chiều đầu tháng 3, đoàn công tác chúng tôi hải trình đến vùng biển, đảo Cô Lin, Gạc ma làm lễ tưởng niệm các LS. Chẳng ai bảo ai, tự trong trái tim mỗi người dâng tràn xúc động. Chúng tôi nhìn về phía đảo Gạc Ma xót xa. Nhiều phóng viên nghẹn ngào, các CS rơm rớm nước mắt.
Giữa biển trời Tổ quốc, mùi khói hương nghi ngút, tiếng nhạc chiêu hồn tử sĩ thiết tha. Chúng tôi xếp thành hàng lặng lẽ trên boong tàu. Trong cơn giông cuối chiều, tiếng trưởng đoàn công tác thăm thẳm sâu hòa vào sóng nước: “Trường Sa là của Việt Nam, là linh hồn Tổ quốc Việt Nam. Nơi đây, bao người con ưu tú của Tổ quốc đã chiến đấu anh dũng, hy sinh bảo vệ những phiến đá kiến tạo qua hàng nghìn năm lịch sử được cha ông ta giữ gìn từ lâu đời. Lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân thêm một lần nữa lại tô thắm máu đào của 64 LS. Tiếng nói của LS Trần Văn Phương: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”. Tiếng nói ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển, đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là tuyên ngôn bất tử về Trường Sa - tuyên ngôn của thế hệ trẻ hôm nay không sợ hy sinh gian khổ, quyết đem cả tính mạng của mình bảo vệ từng tấc đất, sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc. Máu các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ”.
Đoàn công tác làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ Trường sa
Những nhành hoa huệ trắng giữa ngàn khơi như thay lời tri ân các LS đã anh dũng hy sinh trong trận chiến ngày ấy. Quân, dân huyện đảo Trường Sa, những người đang tiếp tục sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng không tách rời của Tổ quốc.
Tràng hoa tưởng niệm thả xuống lòng biển mẹ hôm nay là khúc tưởng niệm các anh hùng LS. Khúc tưởng niệm ấy có cả bi thương chen lẫn tự hào; có cả niềm đau chen lẫn giọt nước mắt. Đó là nghĩa cử tri ân và lòng ghi ơn tạc dạ của triệu triệu người dân Việt Nam đối với các LS.
Bài ảnh: MAI THẮNG