Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng mua nhiều nông sản Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 26,7% so với tháng 7/2020, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt.
Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,8 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,41 tỷ USD, thủy sản đạt 800 triệu USD và chăn nuôi đạt 44,1 triệu USD,…
Tính chung 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với 7 tháng/2020.
Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 12,2 tỷ USD, tăng 15,1%; lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54,0%; thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16,0%.
Dù dịch Covid-19 tác động, gây nhiều khó khăn nhưng nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm vẫn có giá trị xuất khẩu tăng gồm cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế,…
Trong đó, cao su, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu, như xuất khẩu cao su tăng 33,6% về khối lượng và tăng 73,6% về giá trị); xuất khẩu hạt điều tăng 21,4% về lượng và 4,0% về giá trị; xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn tăng 10,3% về lượng và 24,1% về giá trị.
Đáng chú ý, do nhu cầu của thị trường thế giới, đặc biệt là những thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng cao đột biến nên giá xuất khẩu bình quân 7 tháng của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng đáng kể.
Trong đó, giá hồ tiêu xuất khẩu tăng tới 51,8% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 3.292,9 USD; giá cao su xuất khẩu đạt 1.677,4 USD, tăng 30%; giá gạo xuất khẩu đạt 541,5 USD, tăng 11,2%; giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 255,3 USD, tăng 14,1%.
Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu nông sản chính của Việt Nam, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 72,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Công ty Lâm Việt (Đồng Nai). Ảnh: K.N
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam với giá trị kim ngạch đạt 8,2 tỷ USD trong 7 tháng năm 2021, chiếm 28,9% thị phần.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 72,2% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ.
Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc với gần 5,5 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần) thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,2 tỷ USD.
Xây dựng "luồng xanh" cho nông sản
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bộ NNPTNT những tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cũng chỉ rõ, dịch Covid-19 dự kiến còn nhiều phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách; việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản và nguyên-vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Trong khi sang tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.
Riêng về rau củ quả, trong tháng 8/2021, ước tính sản lượng ở phía Nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500 nghìn tấn.
Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: Xoài 40.000 tấn; chuối 109.000 tấn, sầu riêng 75.000 tấn, cam 40.000 tấn, nhãn 40.500 tấn,…
Việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong nước và các nước trên thế giới dẫn đến việc sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên - vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất bị hạn chế, dẫn đến giá tăng liên tục.
Thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa như tăng cường kiểm tra hàng hóa, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng dịch của Việt Nam. Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, do đó thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bị kéo dài, đồng thời tăng cường quản lý đội lái xe tại cửa khẩu.
Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 255,3 USD, tăng 14,1% do Trung Quốc mua nhiều. Trong ảnh: Sơ chế sắn tại Gia Lai. Ảnh: Báo Gia Lai.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế.
Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm phục vụ cho một số thị trường nhất định (chủ yếu là xuất khẩu).
Với số lượng kho lạnh hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NNPTNT sẽ điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu.
Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet…) đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử.
Phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) xây dựng chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Tại các địa phương đang phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15, 16, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh điều chỉnh phương thức kinh doanh của các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn; rà soát hoạt động cung ứng hàng hóa của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực; thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời.
Thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn.
Theo Dân Trí