Thị trường chưa ổn định
Theo Cục trưởng Cục Thống kê An Giang Huỳnh Quang Minh, tính từ đầu năm đến ngày 14/6/2023, trên địa bàn tỉnh có 422 DN thành lập mới, giảm 8,64% so cùng kỳ năm 2022, tổng vốn đăng ký khoảng 3.343 tỷ đồng, tăng 0,85%. Có 155 DN hoạt động trở lại, giảm 20,51%; 65 DN giải thể tự nguyện, giảm 15,58%; 274 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 7,03% so cùng kỳ.
Trong 6 tháng qua, An Giang đã tiếp nhận 17 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đăng ký 28.139 tỷ đồng. Tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư đối với 5 dự án, tổng vốn đăng ký 172,1 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương đầu tư để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với 2 dự án, tổng vốn đăng ký 24.043 tỷ đồng.
Số liệu trên cho thấy, tình hình SXKD của DN vẫn còn khó khăn; số DN có niềm tin về khả năng phục hồi kinh tế có tăng lên nhưng vẫn còn nhiều DN lo lắng, băn khoăn, cho rằng vẫn gặp khó trong tiếp cận chính sách hỗ trợ, chưa hài lòng trong cách xử lý, giải quyết vướng mắc từ phía cơ quan chức năng.
Điều này thể hiện qua đánh giá của DN khi các chỉ số liên quan cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh năm 2022 của An Giang chưa đạt tốt. Trong đó, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 của An Giang xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố (giảm 12 bậc so năm 2021); Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp hạng 42/63 (tăng 5 bậc nhưng vị trí vẫn thấp); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 54/63 (giảm đến 37 bậc).
Khó khăn đan xen
Theo Sở Công Thương, các mặt hàng chủ lực của tỉnh phát huy được thế mạnh, đưa kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 574 triệu USD, tăng 3,76% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu gạo đạt 290.400 tấn, tương đương 158,7 triệu USD, tăng 8,22% về sản lượng và tăng 9,52% về kim ngạch. Rau quả đông lạnh đạt khá khi xuất khẩu đạt 6.100 tấn, tương đương 9,9 triệu USD, tăng 19,47% về sản lượng và tăng 13,23% về kim ngạch.
Tuy nhiên, mặt hàng thủy sản đông lạnh chứng kiến khó khăn khi xuất khẩu 6 tháng đạt 60.000 tấn, tương đương 154,3 triệu USD, giảm 2,75% về sản lượng và giảm 1,94% về kim ngạch so cùng kỳ. Trong khi đó, kinh doanh xuất khẩu thủy sản nguyên con qua Vương quốc Campuchia trong 6 tháng đầu năm ước đạt 21.400 tấn, tương đương 31,4 triệu USD, giảm 10% về sản lượng và giảm 15% về kim ngạch.
Nguyên nhân, do kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhiều quốc gia thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn, ảnh hưởng đến đơn hàng nên sản xuất giảm, kéo theo kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm. Tình trạng đơn đặt hàng giảm cũng ảnh hưởng đến ngành hàng may mặc, giày dép, khiến DN phải giảm lao động, giảm giờ làm…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, bên cạnh điểm sáng tăng trưởng, nhiều kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm. Trong đó, tình hình SXKD của DN đang khó khăn, dự báo số lượng lao động mất việc sẽ tăng, gây áp lực cho hệ thống an sinh xã hội. Giá cả các mặt hàng thiết yếu và nguyên liệu đầu vào tăng, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động SXKD của DN và đời sống nhân dân. Khi nhu cầu thị trường hàng hóa tăng chậm, sẽ kéo theo nhu cầu vốn tín dụng, vốn đầu tư của xã hội... tăng trưởng thấp.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiên tai, hạn hán tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sản xuất ngành nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế. Trong khi đó, giá vật liệu xây dựng thiếu ổn định đang gây khó khăn trong việc triển khai nhiều công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công.
Hành động vì doanh nghiệp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, để tạo thuận lợi cho DN, người dân, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực. An Giang đã kết nối chính thức Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào ngày 11/12/2022. Ngày 20/6/2022, tỉnh đã triển khai vận hành thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC), với 10 lĩnh vực; triển khai ứng dụng di động SmartAnGiang để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, DN. Đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục, đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia và tỉnh.
Ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát, công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh chuyển sang “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn công tác gặp gỡ, làm việc với các DN trong các khu công nghiệp; tổ chức gặp mặt đại diện các DN thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để nắm bắt và xử lý khó khăn, vướng mắc của DN.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Trần Minh Chánh cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại hỗ trợ, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu vốn của DN. “Trên cơ sở hạ mặt bằng lãi suất huy động vốn, thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn vay, triển khai kế hoạch SXKD” - ông Chánh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện Nghị quyết 58/NQ-CP, ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Đồng thời, triển khai nhanh và hiệu quả những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản, sản xuất, xuất khẩu thủy sản, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan về phòng cháy, chữa cháy và các quy định khác đang là rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động SXKD của DN. |
NGÔ CHUẨN