An Giang chủ động tái tạo nguồn lợi thủy sản

31/03/2022 - 07:11

 - Bằng nhiều nỗ lực, An Giang đã huy động nguồn lực xã hội từ các tổ chức, cá nhân, tăng ni, phật tử, tín đồ tôn giáo để tổ chức thả 44 tấn cá giống về sông, trong đó có nhiều loài cá quý hiếm, có giá trị cao với số tiền quy đổi gần 3,37 tỷ đồng. Dự kiến, An Giang sẽ phối hợp với tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ nâng hoạt động phóng sinh tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản lên cấp vùng.

Thủy sản tự nhiên sụt giảm

Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, vào mùa lũ hàng năm, An Giang đón nhận nhiều nguồn lợi thủy sản nước ngọt tự nhiên từ thượng nguồn Mekong đổ về. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản tự nhiên suy giảm mạnh. Chính vì vậy, nhiệm vụ tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên là hết sức quan trọng, giúp duy trì sự phong phú và đa dạng nguồn lợi thủy sản tự nhiên của tỉnh An Giang.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Võ Thị Thanh Vân cho biết, cùng với diện tích ngập lũ tự nhiên ít đi (do sản xuất 3 vụ), một trong những nguyên nhân khiến nguồn lợi thủy sản giảm là do ngư dân sử dụng nhiều loại hình khai thác quá mức (lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, đánh bắt thủy sản trong mùa vụ sinh sản của cá, đánh bắt cá con có kích thước nhỏ hơn quy định, sử dụng xung điện khai thác…). Ghi nhận từ năm 2017 đến nay, tần suất lũ của ĐBSCL thường thấp và đến trễ, làm cho mực nước trên các cánh đồng không đảm bảo cho thủy sản sinh trưởng và phát triển, sản lượng khai thác thủy sản giảm dần. Nếu như năm 2017, sản lượng khai thác đạt 22.487 tấn thì đến năm 2021, còn 14.800 tấn.

Cá hô, một trong những loài cá quý, được thả về sông

Từ khi Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực đến nay, Sở N&PTNT đã triển khai thường xuyên và đồng bộ nhiều giải pháp. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền các quy định hiện hành về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân, tăng ni, phật tử, các tín đồ tôn giáo tổ chức lễ thả cá phóng sinh và tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm. “Công tác này đã tạo được tiếng vang lớn và huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, đã cải thiện được rất nhiều về ý thức của cộng đồng dân cư đối với công tác thả cá phóng sinh, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản” - bà Vân nhấn mạnh.

Đưa cá quý về sông

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng cho biết, từ năm 2017 đến nay, có 44 tấn cá giống đã được thả về sông, trong đó có nhiều loài cá quý, hiếm, có giá trị, như: Cá hô, cá ét, cá mè hôi, cá cóc, cá chép, cá tra, basa, vồ đém, chạch lấu, cá chày, bông lau, điêu hồng... Tổng số tiền quy đổi theo lượng cá giống tương tương gần 3,37 tỷ đồng, trong đó 77% là nguồn vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh (gần 2,6 tỷ đồng); 23% từ nguồn ngân sách (763 triệu đồng), gồm: Ngân sách tỉnh 139 triệu đồng; Tổng cục Thủy sản hỗ trợ từ năm 2018-2020 là 624 triệu đồng.

Theo ông Dũng, qua triển khai công tác thả cá phóng sinh và tái tạo nguồn lợi thủy sản, đã cải thiện được rất nhiều về ý thức của cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tăng ni, phật tử, các tín đồ tôn giáo đã nêu cao tinh thần tự nguyện tham gia thường xuyên, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. “Hiện có nhiều đàn cá đang sinh trưởng, phát triển tự nhiên trên các sông, rạch của tỉnh, được người dân quan tâm bảo vệ và quyên góp tiền, thức ăn để chăm sóc. Đó là thành quả đạt được từ các hoạt động thả cá phóng sinh, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản thời gian qua” - ông Dũng đánh giá.

Ông Dũng cho biết, những năm tới, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông thả cá phóng sinh và tái tạo nguồn lợi thủy sản, tập trung đi sâu vào chất lượng của các hoạt động, đồng thời quản lý và tổ chức chặt chẽ hơn công tác bảo vệ đàn cá trước, trong và sau khi thả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo và chuyển đổi nghề cho người dân tham gia khai thác, gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hàng năm, Chi cục Thủy sản An Giang đều lập kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài tỉnh, thường xuyên tuần tra, kiểm tra trên các tuyến sông, kênh, rạch, xử lý nghiêm các ngư dân sử dụng xung điện để khai thác thủy sản. Kết quả, từ năm 2017 đến nay, đã triển khai được 33 đợt tuần tra, kiểm tra, ban hành 23 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền 125 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Võ Thị Thanh Vân cho biết, thời gian tới, An Giang sẽ chủ động phối hợp với tỉnh Đồng Tháp và TP. Cần Thơ tổ chức lễ thả cá về sông theo hình thức xoay tua giữa các địa phương. Dự kiến năm 2022, An Giang sẽ đăng cai tổ chức lễ thả cá tại khu vực ngã ba Vàm Cống (sông Hậu). Việc tổ chức lễ thả cá cấp vùng sẽ giúp mở rộng về quy mô, tăng sản lượng cá giống được thả, tạo tiếng vang thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia.

 

NGÔ CHUẨN