An Giang chú trọng tính bền vững trong mục tiêu giảm nghèo

12/08/2022 - 07:53

 - Giảm nghèo toàn diện, bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và là một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển, đảm bảo an sinh xã hội. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh An Giang đã ban hành chương trình giảm nghèo bền vững trên phạm vi toàn tỉnh, trọng tâm là các huyện nghèo.

Mục tiêu của chương trình là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững

Mục tiêu chung Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 hướng đến là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Chương trình sẽ hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia; nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, đối tượng chương trình hướng đến là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên phạm vi toàn tỉnh. Hộ được ưu tiên hỗ trợ là hộ nghèo dân tộc thiểu số, nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Kế đến là những người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo; huyện nghèo; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo.

Tỉnh An Giang phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm bình quân 1-1,2%/năm; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 3-4%/năm. Đến cuối năm 2025 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm bình quân 2%/năm. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm số hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Cùng với đó, huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KTXH liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được ưu tiên đầu tư sẽ là đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ dân trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.

Chương trình triển khai với 7 dự án và 11 tiểu dự án cụ thể trong giai đoạn 5 năm. Cụ thể: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng KTXH huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chương trình. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 827 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 733 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 73 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp), còn lại huy động các nguồn hợp pháp khác.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, để thực hiện những mục tiêu trên, chương trình đã đặt ra các giải pháp trọng tâm. Nguyên tắc thực hiện là đầu tư có trọng điểm và bền vững, tập trung là huyện nghèo. Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Trong việc huy động vốn, lồng ghép nguồn lực, thì ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, việc thực hiện các chính sách giảm nghèo nói chung và các chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án, nội dung thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện nghèo.

UBND tỉnh An Giang chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” cần tiếp tục được đổi mới, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, góp phần cùng cả nước phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”…

MỸ HẠNH