An Giang đảm bảo mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp

29/04/2021 - 04:14

 - Dù vẫn còn chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng trước thực tế nguồn cung lương thực, thực phẩm của thế giới bị thắt chặt, nhiều mặt hàng nông sản của An Giang có cơ hội gia tăng giá trị. Nếu tận dụng tốt cơ hội, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tăng trưởng khá.

Tăng trên từng lĩnh vực

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang, để tăng trưởng năm 2021 đạt 2,82% so năm 2020, giá trị sản xuất (GO) năm 2021 cần tăng thêm 1.450 tỷ đồng. Trong đó, ngành trồng trọt dự kiến tăng thêm 600 tỷ đồng, chăn nuôi tăng 150 tỷ đồng, thủy sản tăng 700 tỷ đồng.

Đối với ngành trồng trọt, mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng vào lúa và cây ăn trái. Với tổng diện tích sản xuất lúa cả năm 625.000ha, dự kiến năng suất bình quân tăng 0,1 tấn/ha, giá bán dự kiến 4.600 đồng/kg thì GO tăng thêm 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ lúa chất lượng cao năm 2021 tăng thêm khoảng 20.000 tấn so năm 2020.

Với năng suất bình quân 6,3 tấn/ha, giá bán cao hơn lúa thường (7.380 đồng/kg so 4.500 đồng/kg), GO tăng thêm 362 tỷ đồng. Tuy nhiên, diện tích lúa vụ thu đông 2021 giảm khoảng 12.000ha (do thực hiện xả lũ), kéo theo GO giảm 318 tỷ đồng (12.000ha x 5,9 tấn/ha x 4.500 đồng/kg).

Vụ đông xuân vừa qua, diện tích xuống giống rau màu giảm 3.000ha, kéo GO giảm khoảng 300 tỷ đồng. Dù vậy, ở chiều ngược lại, do có thêm 1.000ha xoài trồng mới trong năm 2019 sẽ cho thu hoạch từ năm 2021 nên sản lượng xoài năm nay dự kiến tăng thêm hơn 20.000 tấn, tính giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, GO của xoài tăng 400 tỷ đồng. Đối với các loại cây ăn trái khác, như: cây có múi, nhãn, chuối, dừa, mít… ước sản lượng tăng 4.000 tấn, GO tăng 40 tỷ đồng. Tính chung, kế hoạch tổng GO ngành trồng trọt năm 2021 tăng khoảng 600 tỷ đồng.

Xúc tiến doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Sau thời gian khó khăn, ngành chăn nuôi đang dần hồi phục. Năm 2021, chăn nuôi heo thịt tăng khoảng 18.000 con so năm 2020, tập trung ở các trang trại lớn, như: trại heo Định Thành (3.000 con/lứa x 2 lứa/năm = 6.000 con), trại Hoàng Vĩnh Phước (6.000 con/lứa x 2 lứa/năm = 12.000 con), kéo GO tăng thêm 56 tỷ đồng.

Trong khi đó, chăn nuôi gà thịt tăng 150.000 con, gồm: 60.000 con tại trại gà An Tâm (Châu Phú) và 90.000 con tại trại Cẩm Giang (Tịnh Biên), GO tăng thêm 20 tỷ đồng. Việc Tập đoàn TH đầu tư phát triển 2.000 con bò sữa tại Tri Tôn năm 2021 giúp GO tăng thêm 70 tỷ đồng. Trong khi đó, trứng và các sản phẩm chăn nuôi khác tăng 4 tỷ đồng, kéo tổng GO ngành chăn nuôi năm 2021 tăng 150 tỷ đồng.

Kỳ vọng thủy sản

Trong mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021, thủy sản “gánh” nhiệm vụ nặng nề nhất khi cần tăng trưởng thêm 700 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào đối tượng nuôi chủ lực là cá tra giống và cá tra thương phẩm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tăng cường thúc đẩy phát triển một số đối tượng nuôi tiềm năng (cá điêu hồng, cá lóc) và một số đối tượng có giá trị kinh tế (cá chạch lấu, cá lăng, cá ét, cá chốt, cá Nàng Hai, cá hô, cá chép giòn…).

Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, dự kiến năm 2021, sản lượng cá tra thương phẩm tăng 40.000 tấn, GO tăng 652 tỷ đồng; sản lượng cá tra giống tăng 100 triệu con (300 đồng/con), GO tăng 30 tỷ đồng. Trong khi đó, các loài cá có giá trị kinh tế cao tăng 250 tấn, ước chung GO tăng 25 tỷ đồng. Riêng khai thác thủy sản tự nhiên, dự báo bằng năm 2020. Như vậy, tổng kế hoạch GO ngành thủy sản năm 2021 tăng khoảng 700 tỷ đồng, gồm: quý I tăng 200 tỷ đồng, quý II tăng 150 tỷ đồng, quý III tăng 150 tỷ đồng và quý IV tăng 200 tỷ đồng.

Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang  Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, cùng với mục tiêu tăng trưởng, đơn vị tập trung vào các khâu đột phá của ngành nông nghiệp để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh. Trong đó, ngành nông sẽ triển khai đột phá mạnh và sâu vào lĩnh vực xúc tiến đầu tư. Sở NN&PTNT phối hợp các sở, ngành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp cận các doanh nghiệp (DN) theo hướng tạo điều kiện linh hoạt, cơ chế thông thoáng, đồng hành và hỗ trợ các DN an tâm đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực trên địa bàn tỉnh An Giang.

Đồng thời, tập trung các chỉ tiêu tăng trưởng về mặt chất lượng, như: sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, EuroGAP, AseanGAP... và các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nguồn cung hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường khó tính, như: EU, Hoa Kỳ; nghiên cứu tham mưu hỗ trợ ngân sách nhà nước lần đầu cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, GAP, SRP... cho tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt chuẩn để cung cấp cho DN.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung hỗ trợ thực hiện Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc phát huy nguồn lực địa phương và phát triển sản phẩm, dịch vụ OCOP, các ngành, địa phương hỗ trợ thành lập các DN nông nghiệp, phát triển đa dạng các loại hình kinh tế hợp tác theo hướng quy mô lớn gắn với ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, tăng cường áp dụng cơ giới hóa chuyên sâu kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 triển khai trên diện rộng, thu hút đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến hiện đại, như: hệ thống phun tự động, hệ thống bón phân tự động, nâng cấp công nghệ trồng trọt và công nghệ chế biến, xử lý - kiểm dịch, bảo quản, đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Một số mục tiêu lớn của ngành nông nghiệp năm 2021: giá trị tăng thêm (giá so sánh 2010) đạt từ 2,8 - 2,82%; tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 91%; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đến cuối năm 2021 có thêm 10 xã nông thôn mới (lũy kế là 71 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới) và thêm 5 xã nông thôn mới nâng cao.

 

NGÔ CHUẨN