Thời gian qua, ngành nông nghiệp An Giang đã tập trung thực hiện các nhóm giải pháp ưu tiên, như: Thu hút đầu tư và phát triển thị trường; tổ chức lại sản xuất theo hướng kinh tế tập thể; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực; củng cố, nâng chất các đơn vị sự nghiệp để phát triển các dịch vụ trong nông nghiệp và hỗ trợ nông dân... Ngành nông nghiệp còn thực hiện các giải pháp hỗ trợ, như: Tuyên truyền; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tăng cường liên kết vùng; phát triển nông nghiệp bền vững.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Tôn Thất Thịnh cho biết, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt được những kết quả nổi bật. Năm 2023, sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì ổn định. Diện tích xuống giống lúa năm 2023 tăng khá nhiều so cùng kỳ, diện tích trồng lúa chất lượng cao và nếp được mở rộng. Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng rau màu tăng và có sự luân canh hợp lý, linh hoạt thay đổi chủng loại cây màu phù hợp với thị trường. Chăn nuôi và thủy sản ổn định, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân.
Nhiều giống cây trồng, vật nuôi được nông dân đưa vào canh tác
Năm 2023, toàn tỉnh thu hoạch gần 4,1 triệu tấn lúa, tăng 2,94% so cùng kỳ. Đối với hoa màu, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 625.000 tấn, tăng 4,14%. Trong lĩnh vực chăn nuôi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm ước đạt khoảng 39.000 tấn, bằng 104,78% so năm 2022. Trong khi đó, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng (bao gồm sản lượng lồng bè) cả năm 2023 ước đạt gần 656.000 tấn, bằng 106,67% so cùng kỳ. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, năm 2023 đã thực hiện trồng mới rừng tập trung khoảng 70ha, xấp xỉ cùng kỳ; sản lượng gỗ khai thác khoảng 36.700m3, bằng 107,94% và 272.000 ster củi (1 ster khoảng 0,7m3), bằng 101,11% so cùng kỳ.
Theo Sở NN&PTNT An Giang, sau 1 năm triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm và thủy sản đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nếu năm 2020 đạt 2,84% thì đến năm 2023 đạt 4,43%. Mặt khác, đề án đã tạo sự chuyển biến tích cực về chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”. Nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao được chuyển giao và ứng dụng vào sản xuất ngày càng nhiều, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp. Công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn địa phương triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp được chú trọng. Qua đó, kịp thời truyền tải những chỉ đạo, điều hành của Trung ương, cấp tỉnh về phát triển sản xuất, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm; hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản…
Tuy nhiên, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn An Giang vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất chưa ổn định; năng lực tổ chức sản xuất nông nghiệp của các hợp tác xã (HTX) còn thiếu và yếu. Ngoài ra, việc chuyển đổi số trong kinh tế tập thể, HTX đang trong giai đoạn bước đầu và diễn ra còn chậm, hạn chế về vốn đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực chuyển giao, loại hình công nghệ phù hợp cho từng đối tượng…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Tôn Thất Thịnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng để bứt phá thực hiện các mục tiêu của kế hoạch tổng thể triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp năm 2023 - 2025. Do đó, ngành nông nghiệp thống nhất từ nhận thức đến hành động, thực hiện chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành. Bên cạnh đó, thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông - lâm - thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng…
Để thực hiện mục tiêu trên, từ nay đến năm 2025, ngành nông nghiệp sẽ tập trung nguồn lực, triển khai có hiệu quả giải pháp phát triển thị trường - thu hút đầu tư và giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể. Trong đó, tập trung triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp; các hoạt động thu hút đầu tư; hỗ trợ phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm; dự báo cung - cầu thị trường; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm.
Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái liên kết hợp tác doanh nghiệp - HTX - nông dân cho các ngành hàng chủ lực và tiềm năng; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển HTX gắn với liên kiết theo chuỗi giá trị; tăng cường mở rộng liên kết, phát triển HTX, liên hiệp HTX, liên đoàn HTX; xây dựng chuỗi giá trị có doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của các HTX...
MINH ĐỨC