Đạt nhiều kết quả
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT, An Giang đã ban hành hơn 238 văn bản lãnh, chỉ đạo, phối hợp liên ngành cấp tỉnh triển khai thực hiện. Với sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã đưa chính sách BHYT ngày càng lan tỏa, tăng diện bao phủ, đảm bảo an sinh xã hội và hướng tới hoàn thành mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân.
Tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2009 là 43,43%, đến năm 2023 đạt 92,13%. Số người tham gia BHYT tăng từ 931.273 người năm 2009 lên 1.756.176 người năm 2023 (tăng 1,9 lần). Tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT tăng từ 50,53% năm 2009 lên 100% năm 2023.
Trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW
TS.BS Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế An Giang cho biết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh, chỉ đạo, xây dựng và thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, BHYT, điển hình như chính sách hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương, tạo thuận lợi, khuyến khích Nhân dân tham gia BHYT. Công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHYT được coi trọng, đổi mới nội dung, hình thức.
Số lượt khám, chữa bệnh (KCB) tăng từ 2,8 triệu lượt người, tương ứng với số chi KCB 187 tỷ đồng năm 2009 lên 4,2 triệu lượt người, tương ứng với số chi KCB 1.706 tỷ đồng năm 2023 (tăng hơn 1,5 lần về số lượt, số chi tăng hơn 9 lần). Mạng lưới KCB BHYT được tổ chức từ tuyến tỉnh đến xã. Từ năm 2010 - 2022, tỉnh hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; hỗ trợ thêm 70% mức đóng thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên đồng bào dân tộc thiểu số.
Giám đốc Bảo hiểm Xã hội An Giang Đặng Hồng Tuấn cho biết, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách BHYT được thực hiện thường xuyên. Qua đó, mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi tiền chậm đóng, lan tỏa mạnh mẽ ý thức chấp hành của đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở KCB, ngăn chặn lạm dụng hoặc trục lợi từ BHYT.
Thực hiện hiệu quả các chính sách
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương nhận định: “Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên, nhân viên ngành y tế và các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội. Chính sách BHYT thực sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, góp phần chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng hiệu quả”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng nhấn mạnh: “Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và cộng đồng xã hội đã nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của BHYT trong các chính sách hệ thống an sinh xã hội.
Tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế, đào tạo nhân lực để phát triển chuyên môn kỹ thuật theo hướng phát triển chuyên sâu tuyến tỉnh và y tế phổ cập tuyến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi phát triển y tế ngoài công lập, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe BHYT. Năm 2023, số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng 2,12 lần so năm 2009. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý KCB BHYT, cải cách thủ tục hành chính, công tác giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT. Qua đó, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT và tăng cường phòng, chống trục lợi Quỹ BHYT”.
Nỗ lực 95% dân số tham gia
“Để phát triển chính sách BHYT bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và toàn ngành y tế, BHXH cần tập trung thực hiện các giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đến năm 2025 là 95% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết 33/NQ-HĐND của HĐND tỉnh” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng yêu cầu.
Theo đó, các cấp, ngành, địa phương tập trung quán triệt sâu sắc nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của BHYT; tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thực hiện đầy đủ 6 nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị 38-CT/TW, các văn bản Trung ương, Tỉnh ủy liên quan đến BHYT. Đưa các chỉ tiêu thực hiện BHYT toàn dân vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Bố trí ngân sách theo khả năng của địa phương và huy động nguồn lực hỗ trợ người dân thuộc đối tượng từ ngân sách Nhà nước tham gia BHYT. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHYT.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hướng đến mục tiêu tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với chính sách BHYT và dịch vụ KCB BHYT; nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở y tế; đảm bảo cung cấp đủ thuốc, vật tư y tế; chấn chỉnh thái độ phục vụ, trách nhiệm công vụ của cán bộ, nhân viên làm việc trực tiếp với người tham gia BHYT. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra chấp hành pháp luật về BHYT; xử lý vi phạm pháp luật về BHYT; kiểm soát gia tăng chi phí KCB, ngăn ngừa gian lận, trục lợi BHYT.
HẠNH CHÂU