An Giang đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

17/01/2024 - 06:11

 - Xác định vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tỉnh An Giang đã ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy loại hình kinh tế này phát triển. Đến nay, các mô hình kinh tế tập thể đang từng bước phát triển, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ phát triển các loại hình kinh tế tập thể

Hỗ trợ duy trì, phát triển kinh tế tập thể

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Tôn Thất Thịnh cho biết, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh phát triển mới 16 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp lên 220, với 13.120 thành viên. Trong đó, số HTX hoạt động hiệu quả trên 71,26%. Ngành nông nghiệp tỉnh còn tiến hành nâng chất 2 liên hiệp HTX với 20 thành viên. Ngoài ra, toàn tỉnh có 1.193 tổ hợp tác (THT) với gần 16.700 tổ viên…

Trong số các HTX hiện có trên địa bàn tỉnh An Giang, có 36 đơn vị ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 28 HTX có ứng dụng chuyển đổi số. Ngoài ra, có 6 HTX được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao và 14 HTX có sản phẩm tiềm năng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, có 88 HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp (DN); 2 liên hiệp HTX thực hiện hợp tác, liên kết với gần 30 DN, với tổng diện tích thực hiện cả năm đạt 58.682ha. Diện tích liên kết tiêu thụ lúa trong năm 2023 đạt 52.109ha, rau màu đạt 6.470ha, cây ăn trái 103ha.

Cùng với việc quan tâm, vận động thành lập phát triển các loại hình kinh tế tập thể, năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh còn tích cực triển khai hoạt động hỗ trợ các HTX, THT duy trì, phát triển. Sở NN&PTNT cho biết, đã hỗ trợ trả lương cho nhân lực trẻ về làm việc tại các HTX nông nghiệp. Đồng thời, triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Tôn Thất Thịnh, đến nay, đã tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ đào tạo dài hạn cho 13 thành viên, người lao động đang làm việc tại HTX nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ trả lương cho 16 nhân sự trẻ có trình độ cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại 16 HTX theo Nghị quyết 15/2022/NQ-HĐND, ngày 12/7/2022 của HĐND tỉnh…

Trong năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang còn hỗ trợ và tạo điều kiện cho khoảng 37 HTX tiếp cận nguồn vốn theo Nghị định 62/2019/NĐ-CP để xây dựng các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm cho 4 HTX tham gia Đề án HTX kiểu mới theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, với tổng vốn đầu tư trên 8,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh gần 8 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của HTX.

Đổi mới hoạt động các loại hình kinh tế tập thể

Hiện nay, các mô hình kinh tế tập thể, HTX, THT nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Đồng thời, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc gắn kết người nông dân với thị trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Số địa phương đạt chỉ tiêu thành lập mới HTX còn khiêm tốn. Một số HTX hoạt động mang tính hình thức, chưa mang lại lợi ích cho thành viên. Bên cạnh đó, dù được tham gia đào tạo tập huấn, bồi dưỡng, nhưng khả năng quản lý, điều hành; ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất - kinh doanh của HTX còn hạn chế.

Một trong những tồn tại, hạn chế khác là quy mô sản xuất của nông dân nhỏ, rời rạc, tâm lý vẫn còn e dè, chưa mạnh dạn liên kết theo nhóm hoặc qua tổ chức đại diện để cùng sản xuất với diện tích lớn tạo sản phẩm đồng nhất. Đồng thời, do biến động giá cả đã ảnh hưởng đến hợp đồng liên kết giữa HTX, THT và DN nên nông dân chưa tích cực tham gia...

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung các giải pháp phát triển các HTX, THT nông nghiệp gắn với nhu cầu tổ chức sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả. Đẩy mạnh thực hiện liên kết với DN hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, quy mô công nghiệp, khép kín từ sản xuất đến chế biến. Bên cạnh đó, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường quốc tế, nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản. Tiếp tục chú trọng cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo tính minh bạch và chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang tiếp tục đổi mới phương thức và hình thức hoạt động loại hình kinh tế tập thể theo hướng minh bạch, hiện đại, hiệu quả. Chuyển đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể… trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực kinh tế tập thể. Từ đó, huy động sức mạnh tổng hợp, đẩy nhanh phát triển các tổ chức đại diện nông dân gắn với thực hiện liên kết sản xuất nông sản theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

ĐỨC TOÀN