An Giang đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình và dòng họ

22/10/2020 - 05:20

 - Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình và dòng họ là chủ đề của một cuộc phát động do Hội Khuyến học tỉnh thực hiện cách đây 5 năm. Kết quả từ cuộc phát động này là đã có nhiều gia đình, dòng họ trên địa bàn tỉnh An Giang đạt danh hiệu gia đình học tập, dòng họ học tập.

Trao quà cho các em học sinh nhân dịp đầu năm học mới

Từ danh hiệu gia đình học tập…

Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh An Giang Đặng Hoài Dũng cho biết, qua 5 năm thực hiện phong trào này, toàn tỉnh đã thu được kết quả rất đáng tự hào. Cụ thể, toàn tỉnh xét công nhận 249.504 gia đình học tập, có 443 dòng họ học tập và 1.235 đơn vị học tập.

Theo ông Dũng, cuộc vận động thực hiện phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ là nền tảng, là cơ sở để toàn tỉnh thực hiện phong trào xây dựng xã hội học tập. Phong trào xây dựng mô hình học tập suốt đời không chỉ có ý nghĩa trong cộng đồng xã hội, mà còn gắn kết giữa giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội trong việc theo dõi, giúp đỡ và giáo dục con em của mỗi gia đình, mỗi dòng họ nâng cao ý thức học tập và học hành đến nơi đến chốn.

Việc vận động và xây dựng quỹ Khuyến học dòng họ đã làm tăng thêm quỹ Khuyến học ở cơ sở, tạo nguồn lực hỗ trợ học bổng, khen thưởng học sinh, sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong dòng họ, học sinh, sinh viên nghèo tại địa phương. Quỹ Khuyến học của chi hội trường học, các cơ quan và doanh nghiệp, các cơ sở thờ tự thực hiện tốt chương trình “Tiếp bước đến trường” được phát động trong nhiều năm qua, góp phần đáng kể cho học sinh, sinh viên nghèo được đến trường vào đầu năm học mới, làm giảm bớt tỷ lệ học sinh bỏ học vì nghèo.

Phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập góp phần vào việc củng cố và kiện toàn hệ thống tổ chức Hội Khuyến học cơ sở, Chi hội Khuyến học khóm, ấp, nâng cao vị thế của Hội Khuyến học trong đời sống xã hội; phong trào còn đòi hỏi các trung tâm học tập cộng đồng phải có  nội dung chương trình học tập phù hợp. Kết quả của phong trào còn góp phần vào việc thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới.

Đến dòng họ học tập

“Sau khi tiếp thu Quyết định số 281 của Thủ tướng Chính phủ , Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai kế hoạch thực hiện trong hội nghị ban chấp hành để quán triệt cho Hội Khuyến học cấp cơ sở. Căn cứ hướng dẫn của Hội Khuyến học tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, trình UBND cùng cấp, trong đó xác định mục tiêu xây dựng các mô hình học tập, xác định lực lượng hội viên của các tổ chức đoàn thể cùng tham gia thực hiện, đồng thời lựa chọn xã điểm để hướng dẫn thực hiện quyết định này. Với cách làm đó, kết quả thu được sau 5 năm thực hiện là rất đáng tự hào” - ông Dũng chia sẻ thêm.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 443 dòng họ học tập. trong quá trình hoạt động, các Chi hội Khuyến học dòng họ học tập đã phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, của ông cha trong dòng họ, động viên, khuyến khích mỗi gia đình nâng cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm dạy dỗ và chăm lo con cháu trong gia đình học hành đến nơi đến chốn và đỗ đạt cao, phấn đấu mỗi gia đình trong dòng họ trở thành “gia đình học tập”, ai cũng tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Kết quả sau 5 năm thực hiện, nhiều chi hội khuyến học dòng họ đã có những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, như: Chi hội khuyến học dòng họ với mô hình “Kết nối dòng họ, vun đắp hiền tài, phát triển tương lai” đã gắn kết việc phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ với việc chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng; Chi hội Khuyến học dòng họ có 4 thế hệ ông, cha, con, cháu học tập thành danh và đều trở thành những người có vị trí trong xã hội; Chi hội Dòng họ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, vừa khuyến học cho con cháu trong dòng họ, vừa khuyến học cho học sinh là con cháu của công nhân trong doanh nghiệp, vừa khuyến học cho học sinh nghèo tại địa phương…

“Các gia đình học tập có nhiều hoàn cảnh sinh sống và điều kiện nuôi dạy con ăn học khác nhau, nhưng có một điểm chung đó là: được hun đúc ý thức học tập và tinh thần hiếu học, biết cách phấn đấu vượt qua trở lực, nghèo khổ và khó khăn để đưa con đến trường và bước vào giảng đường đại học, trở thành những con người có kiến thức, có việc làm ổn định, có cuộc sống đàng hoàng tử tế”- ông Đặng Hoài Dũng chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN

 

 

Liên kết hữu ích