An Giang đề nghị có cơ chế riêng cho dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng

09/11/2023 - 12:27

 - Sáng 9/11, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14, ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thảo luận ở hội trường về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương nêu kiến nghị

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương bày tỏ cơ bản đồng tình với việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Theo đại biểu, cử tri, Nhân dân vùng ĐBSCL rất phấn khởi khi Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm triển khai các dự án đường cao tốc, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn giao thông, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm với địa phương còn nhiều khó khăn. Hiện tại, dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đang triển khai, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng.

Để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, đại biểu Trần Thị Thanh Hương kiến nghị Quốc hội chấp thuận phương án cho phép chuyển nguồn toàn bộ từ nguồn tăng thu, cắt giảm tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để bố trí dự toán kế hoạch đầu tư công hàng năm trong năm 2023, 2024, 2025 đối với dự án đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội thống nhất với thẩm quyền, sự cần thiết ban hành nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tuy nhiên, còn có một số ý kiến quan ngại, chưa đồng thuận việc ban hành, băn khoăn về tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung hoàn thiện nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn, tiêu chí thí điểm để thực sự lựa chọn được những dự án cấp bách, cần thiết, tránh thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả.

Có đại biểu đề nghị hoàn thiện bổ sung nguyên tắc tiêu chí liên quan đến năng lực quản lý của địa phương, nguồn vốn thực hiện dự án, cơ quan đề xuất dự án thí điểm, trách nhiệm triển khai chính sách thí điểm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến, xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua. 

GIA KHÁNH