An Giang đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp!

29/03/2021 - 02:34

 - Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (gọi tắt là Trung tâm) tỉnh An Giang có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Từ đó, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, đặc biệt là sáng tạo khởi nghiệp góp phần cho sự phát triển của tỉnh.

Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Phượng Thư cho biết: “Thời gian qua, Trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của Tập đoàn Lộc Trời. Đến nay, nguồn quỹ đã hỗ trợ nhiều dự án khởi nghiệp khả thi của thanh niên, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang. Từ năm 2017-2020, quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang đã hỗ trợ cho 48 dự án khởi nghiệp (trong đó có 45 cá nhân, 3 DN khởi nghiệp) với số tiền 3 tỷ 440 triệu đồng.

Riêng năm 2020, Trung tâm đã hỗ trợ 11 dự án khởi nghiệp với số tiền 530 triệu đồng. Nguồn quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được sử dụng đúng mục tiêu, tôn chỉ đề ra và thực hiện thu, chi đúng quy định, kịp thời đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên.

Tính đến nay, nguồn quỹ đã phổ biến rộng rãi, nhiều thanh niên tiếp cận được thông tin cũng như nguồn vốn từ quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm đã có kế hoạch triển khai thông tin về nguồn quỹ đến tất cả các Huyện, Thị, Thành đoàn trong tỉnh với mong muốn sẽ hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thanh niên có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp”.

Trung tâm là đơn vị trực tiếp quản lý và điều phối nguồn quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đội ngũ cán bộ Trung tâm luôn thực hiện đúng quy chế, tư vấn, hướng dẫn thủ tục hồ sơ vay vốn, cũng như đơn giản hóa thủ tục để phù hợp với trình độ của thanh niên nông thôn, quy trình thẩm định đơn giản nhưng khách quan....

Theo chị Phượng Thư, thế mạnh các dự án khởi nghiệp của thanh niên thiên về nông nghiệp và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Trong tổng số 48 dự án đã được hỗ trợ vay vốn có 24 dự án nông nghiệp, 10 dự án thủ công mỹ nghệ, 14 dự án sản xuất dịch vụ. Tuy nhiên, ngoài nguồn vốn hỗ trợ vay của Trung tâm, đòi hỏi các dự án phải có vốn đối ứng 30%. Đồng thời, các dự án đó phải là những dự án đã đi vào hoạt động, có tiềm năng phát triển lâu dài chứ không còn là dự án nằm trên giấy thì mới được hỗ trợ vốn khởi nghiệp.

Phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa mạnh mẽ

“Đến nay, nhiều dự án đã hoàn vốn và tái vay vốn. Không ít dự án về nông nghiệp đã mở rộng được quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều dự án khởi nghiệp đã và đang được thị trường đón nhận, phản hồi rất tích cực. Đó là động lực để những thanh niên trẻ có đam mê, nhiệt huyết và tinh thần khởi nghiệp phấn đấu từng ngày trên con đường khởi nghiệp. Song, cái khó của các bạn trẻ khi khởi nghiệp là thiếu hoặc không có kỹ năng tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đến thị trường, gây hạn chế trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. chúng tôi đã thành lập Cửa hàng giới thiệu và cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên được 3 năm, đây là nơi để các bạn ký gửi sản phẩm (không tính phí) nhằm quảng bá sản phẩm, giải quyết một phần khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp” - chị Phượng Thư cho hay. 

Mục tiêu đề ra khi  thành lập Cửa hàng giới thiệu và cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên nhằm hợp tác với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh về tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm đến nhiều thị trường khác nhau, đầu tư cho các sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên được mở rộng sản xuất, giúp các sản phẩm nâng cao khả năng thương mại hóa.

Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm đã xây dựng và thực hiện kế hoạch “Kiểm tra các dự án vay vốn” theo định kỳ 2 lần/năm, cụ thể: bộ phận thẩm định trực tiếp đến các dự án đã vay vốn thực hiện công tác tái thẩm định kiểm tra mục đích sử dụng vốn của các dự án đã được giải ngân, nhằm có định hướng và đề xuất hiệu quả trong việc quản lý nguồn vốn, đảm bảo nguồn vốn luân chuyển và có thể hỗ trợ được những dự án tiếp theo.

Các dự án được hỗ trợ tính đến thời điểm hiện tại hoạt động tốt và phát triển bền vững. Tuy nhiên, vẫn có một vài dự án do bùng phát dịch bệnh COVID-19 nên ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, dẫn đến tình trạng doanh thu sụt giảm, không sản xuất được hàng hóa và không có khả năng chi trả phần vốn đã vay từ nguồn quỹ. Ứng phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm đã làm việc với các chủ dự án và lắng nghe nguyện vọng để có phương thức hỗ trợ phù hợp, cụ thể: Trung tâm thực hiện miễn lãi suất cho các dự án gặp khó khăn do dịch bệnh và gia hạn thời gian hoàn trả vốn vay. Từ đó, giúp bảo toàn nguồn quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và đủ nguồn tiền luân chuyển cho các dự án đang có nhu cầu được vay vốn tiếp theo.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục kêu gọi các đơn vị, DN ủng hộ về tài lực để bổ sung thêm nguồn vốn cho quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh nhằm hỗ trợ kịp thời cho các dự án đang chờ xét duyệt.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN