An Giang hỗ trợ nông dân sản xuất

05/08/2024 - 07:06

Hội Nông dân tỉnh An Giang đã triển khai hiệu quả, đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh (SXKD) giỏi ở địa phương.

Theo Hội Nông dân tỉnh An Giang, để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), thời gian qua, các cấp hội chủ động phối hợp với chính quyền, các ngành liên quan định hướng cho hội viên nông dân nghèo cách làm ăn hiệu quả, vận động tham gia vào các lớp dạy nghề, tiến hành mở rộng quy mô dạy nghề với nhiều hình thức.

Cùng với đó, các cấp hội đã chủ động tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn hội viên tham gia các hình thức liên kết sản xuất (các tổ hợp, câu lạc bộ, chi hội nghề nghiệp, hợp tác xã) nhằm hỗ trợ, giúp nhau về vốn, cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật...

Bên cạnh đó, kết hợp với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã phát huy hiệu quả vốn vay, phát triển sản xuất ở các mô hình chuyển đổi sản xuất, như: Chăn nuôi, thủy sản, rau màu và cây ăn trái. Từ đó, vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều dự án đã xây dựng được các mô hình tổ hợp tác SXKD, từ đó thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, đầu tư thâm canh, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Nông dân ứng dụng kiểm soát tưới phun thông minh qua thiết bị di động, điện năng lượng mặt trời... góp phần xây dựng mô hình hợp tác sản xuất, thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nông dân phát triển

Thực tế cho thấy, mô hình trồng cây ăn trái, rau màu là điển hình của hội viên nông dân. Các hội viên tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH và Quỹ Hỗ trợ nông dân từ rất sớm. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh An Giang hỗ trợ dự án mở rộng cả về vốn vay, quy mô và phương thức sản xuất, kết nối tiêu thụ. Đồng thời, hội nông dân các cấp còn xây dựng, thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tập hợp nông dân cùng ngành nghề vào sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm SXKD.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, kết hợp với việc tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình giúp hội viên, nông dân SXKD thực hiện đảm bảo hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Với nhiều cách làm khác nhau, gắn với triển khai các chương trình ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH có 41.241 hộ vay với dư nợ 1.439 tỷ đồng, gồm 20 chương trình tín dụng. Theo đó, nhiều hộ hội viên được vay vốn lên tới 100 triệu đồng/hộ/chương trình.

Điển hình như anh Thái Xuân Hoàng (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) được vay vốn 38 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh Hoàng đã cải tạo đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng 5.000m2 nhãn xuồng. Sau thời gian chăm sóc, vườn nhãn của anh Hoàng đạt năng suất cao, cho thu hoạch khoảng 3.500kg/năm với tổng thu nhập trên 122,5 triệu đồng.

“Với nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH, 3 năm đầu, tôi được Nhà nước hỗ trợ lãi suất, 2 năm còn lại đóng với lãi suất 4,8%/năm. Sau khi trừ hết chi phí, tôi còn dư khoảng 30 triệu đồng. Từ chương trình tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng CSXH, hiện nay tôi đã có việc làm và thu nhập ổn định hàng tháng, góp phần phát triển kinh tế gia đình, nhà cửa khang trang, cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần của gia đình nâng cao so với trước” - anh Hoàng chia sẻ.

Có thể thấy rằng, với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác Ngân hàng CSXH gắn với tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình SXKD từ hội nông dân, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn hơn trong cách nghĩ cách làm, xây dựng các mô hình kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TRỌNG TÍN