An Giang hỗ trợ tín dụng phát triển thị trường hàng Việt Nam

08/12/2022 - 16:39

 - Ngày 8/12, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng đã ký Văn bản 1424/ANG-THNSKS gửi Sở Công Thương An Giang, báo cáo kết quả thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh An Giang năm 2022 (theo Kế hoạch 140/KH-UBND, ngày 17/3/2022 của UBND tỉnh).

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng trao khen thưởng các chi nhánh ngân hàng tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2022

Theo đó, NHNN chi nhánh tỉnh An Giang đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng tập trung nguồn vốn cho vay, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh sau đại dịch COVID-19, khơi thông thị trường tiêu dùng nội địa, nhất là hàng mang thương hiệu Việt Nam.

Tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế tính đến tháng 10/2022 đạt 98.658,9 tỷ đồng, tăng 13,2% so cùng kỳ 2021. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp  23.191 tỷ đồng (chiếm 23,5%); dư nợ cho vay cá nhân, hộ kinh doanh hơn 74.403 tỷ đồng (chiếm 76,4%); dư nợ cho vay hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã 4,7 tỷ đồng (chiếm 0,005%).

Đối với cho vay ưu đãi lĩnh vực ưu tiên là phát triển nông nghiệp, nông thôn, đến cuối tháng 10/2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn An Giang đạt dư nợ cấp tín dụng 59.165 tỷ đồng, tăng 10,42% so năm 2021. Trong đó, cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 10.701 tỷ đồng (tăng 6,85% so cuối năm 2021).

Đối với cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu, đạt 13.090 tỷ đồng (tăng 14,52%), gồm: Hộ nuôi trồng thủy sản 10.742 tỷ đồng (tăng 16,18%), trong đó cá tra 2.690 tỷ đồng (chiếm 25,04% tổng dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản, tương đương 8.244 hộ); doanh nghiệp thu mua chế biến thủy sản là 2.293 tỷ đồng, với 43 doanh nghiệp và 21 hộ (tăng 7,31%)...

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 214 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp 45,1 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu đạt 2.800 tỷ đồng (giảm 2,98%); cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 17.299 tỷ đồng (tăng 13,5% so cuối năm 2021); cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP, ngày 7/1/2013 của Chính phủ  hơn 228 tỷ đồng, tổng số hộ vay 533 khách hàng.

Để hỗ trợ hộ gia đình yếu thế, công nhân khu công nghiệp trong tỉnh tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hạn chế tín dụng đen, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Tổ chức tài chính vi mô CEP Long Xuyên đã hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cho các đối tượng này, ước tổng dư nợ tín dụng chính sách là 4.105 tỷ đồng, tăng 11,3% so cuối năm 2021.

Các ngân hàng đã đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt (sử dụng Internet banking, Mobile banking, các ví điện tử). Năm 2022, số lượng tài khoản ngân hàng tăng 98.499 tài khoản, tăng 60.281 tài khoản so cuối năm 2021; máy POS trên địa bàn tăng 57 máy so với cuối năm 2021...

Hoạt động thanh toán qua Internet banking, Mobile banking, các ví điện tử sẽ tiếp tục tăng cao do người dân và doanh nghiệp trên địa bàn An Giang đã thay đổi thói quen và nhận thấy được tiện ích của phương thức thanh toán điện tử.

Nhằm nắm rõ tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại trên địa bàn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, NHNN chi nhánh An Giang đã tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đến ngày 8/12/2022, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện giải ngân hỗ trợ lãi suất với dư nợ tín dụng gần 6,2 tỷ đồng cho 3 khách hàng.

NGÔ CHUẨN