An Giang: Học sinh trở lại trường an toàn

12/01/2022 - 05:25

 - Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại học trực tiếp, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh An Giang, địa phương chủ động, linh hoạt xây dựng phương án dạy và học một cách bài bản, hiệu quả.

Nhiều trường học “mở cửa”

Được sự thống nhất của UBND tỉnh An Giang, từ ngày 10-1, khoảng 1.756 học sinh lớp 9 và 12 (của trường THCS: Bình Long, Mỹ Phú, Khánh Hòa, Đào Hữu Cảnh; 4 trường THPT: Châu Phú, Bình Mỹ, Trần Văn Thành, Thạnh Mỹ Tây) trên địa bàn huyện Châu Phú trở lại trường học trực tiếp (đạt tỷ lệ 89,8%). Trong đó, 473 sinh lớp 9 (tỷ lệ 86,3%) và 1.283 học sinh lớp 12 (tỷ lệ 93,7%). Riêng học sinh Trường THCS Thạnh Mỹ Tây học trực tiếp vào ngày 12-1, do vừa hoàn thành kỳ thi học kỳ I. Sau 1 tuần thí điểm, Sở GD&ĐT, UBND huyện Châu Phú sẽ đánh giá kết quả, từ đó đề ra kế hoạch, lộ trình mở rộng cho học sinh (đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 tại các khối lớp) đến trường học trực tiếp.

Đoàn công tác Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang cùng lãnh đạo huyện Châu Phú khảo sát các trường thí điểm dạy học trực tiếp. Ảnh: M.L

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Phú Huỳnh An Khước cho biết, ngày đầu tiên đi học trở lại, nhà trường tổ chức kiểm tra tình trạng sức khỏe, khai báo y tế, hướng dẫn học sinh tự phòng ngừa dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, thông báo kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của nhà trường để phụ huynh an tâm, học sinh an toàn đi học. Cơ sở giáo dục vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp; bề mặt thường xuyên tiếp xúc, khu vực rửa tay, nhà vệ sinh, cầu thang theo quy định.

Trước đó, ngành GD&ĐT huyện Châu Phú đã tiến hành rà soát đơn vị, trường học đảm bảo an toàn theo 10 bộ tiêu chí khi tổ chức dạy học trực tiếp; tuyên truyền, phổ biến đến giáo viên, cha mẹ và học sinh phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Bên cạnh đó, phân công giáo viên theo dõi sức khỏe của học sinh để kịp thời phát hiện trường hợp nghi mắc bệnh; bố trí giãn cách (2 lớp học cách nhau 1 phòng học), tổ chức học lệch ca, lệch giờ; tăng cường giám sát nhằm đảm bảo việc giãn cách trước giờ học, giờ giải lao và tan trường. Rà soát, đánh giá về tình hình tiêm vaccine cho học sinh tại trường học. Đồng thời, tập huấn và giao nhiệm vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường quy trình phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện, hướng dẫn học sinh thực hiện khi trở lại trường học...

Hai hình thức dạy học song song

Thầy Lê Bá Thảo (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bình Long) cho biết, trường có 132 học sinh lớp 9, 100% được tiêm vaccine mũi 2 qua 14 ngày. Các em vừa hoàn thành chương trình học kỳ 1, nên đây là thời điểm thuận lợi để trở lại học trực tiếp. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường cho test nhanh tất cả giáo viên và học sinh vào ngày 9-1; bố trí lệch giờ vào học, giải lao và tan học nhằm hạn chế các em tập trung. Nhà trường còn tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thông điệp “5K”... Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng kịch bản để chuẩn bị cho tình huống có thể xảy ra, như: Trường hợp các em bị ho, sốt; phát hiện dương tính với COVID-19... Nhờ vậy, an toàn phòng, chống dịch COVID-19 được đảm bảo, các em tự tin khi tham gia học trở lại.

Tuy nhiên, thầy Thảo chia sẻ, dù nhà trường đã tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, nhưng vẫn còn 22 học sinh chưa trở lại trường. Do đó, nhà trường bố trí song song 2 hình thức (học trực tiếp và trực tuyến) để đảm bảo thời lượng kiến thức cho các em. Điều này gây ra khó khăn cho giáo viên khi phải dạy 2 hình thức cùng lúc.

Đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại học trực tiếp. Ảnh: Đức Toàn

Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Thành Huỳnh Ngọc Bảy cho biết: “Để chuẩn bị cho việc dạy thí điểm học sinh học trực tiếp tại trường, ngoài thực hiện tốt các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, chúng tôi tổ chức lấy ý kiến phụ huynh và học sinh, thống kê số lượng học sinh có nhu cầu học trực tiếp, số học sinh chưa an tâm đến trường, gia đình có ca mắc COVID-19. Qua thống kê, trên 95% phụ huynh và học sinh mong muốn trở lại học trực tiếp tại trường. Từ đó, bên cạnh việc giảng dạy trực tiếp, trường duy trì giảng dạy bằng hình thức trực tuyến đối với học sinh chưa trở lại trường. Đối với nội dung, chương trình giảng dạy trực tiếp, giáo viên sẽ củng cố lại kiến thức đã học trong thời gian học trực tuyến, sau đó mới tiếp tục dạy chương trình mới”.

Theo ghi nhận của các phóng viên, trường học được lau dọn vệ sinh, bố trí bồn rửa tay và xà bông sát khuẩn tại nhiều vị trí trên sân trường, chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay cho học sinh sử dụng, lớp học được phun thuốc khử khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Kỳ vọng rằng, việc thí điểm “mở cửa trường” tại huyện Châu Phú sẽ mang lại hiệu quả cao, tạo đà thuận lợi cho học sinh cả tỉnh quay trở lại học trực tiếp trong thời gian sớm nhất. 

Đối với các huyện, thị xã, thành phố chưa đảm bảo điều kiện tổ chức dạy học trực tiếp, ngành GD&ĐT địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm chuẩn bị chu đáo cho các em đến trường an toàn, như: Chuẩn bị mọi điều kiện, cơ sở vật chất, công tác chuyên môn; phối hợp ngành y tế địa phương, chuẩn bị tiêm mũi 2 cho học sinh từ lớp 7-9...

ĐỨC TOÀN - MỸ LINH