An Giang huy động nguồn lực xây dựng cầu giao thông nông thôn

11/08/2021 - 07:03

 - Thời gian qua, tỉnh An Giang đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là cầu giao thông nông thôn, với mục tiêu sớm hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đạt tiêu chí số 2 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, làm tiền đề phát triển công nghiệp và hiện đại hóa khu vực nông thôn.

Mặc dù tình hình kinh tế của tỉnh những năm qua còn gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách có hạn, nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, sự vận động tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng sự đồng thuận chung sức, đồng lòng của nhân dân, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư phát triển rộng khắp. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm", nhiều tập thể, doanh nghiệp (DN) và người dân đã đóng góp rất tích cực trong xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần xây dựng NTM, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) phát triển, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải An Giang Nguyễn Phú Tân cho biết, sau 5 năm thực hiện Đề án xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn (giai đoạn 2016-2020), tỉnh đã thi công hoàn thành 581 cầu, đạt 120,7% kế hoạch đề ra. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều xây dựng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, TP. Long Xuyên 50/23 cầu, TP. Châu Đốc 16/14 cầu, TX. Tân Châu 36/36 cầu, huyện Chợ Mới 148/99 cầu, Phú Tân 31/27 cầu, An Phú 26/26 cầu, Châu Phú 47/46 cầu, Châu Thành 55/55 cầu, Thoại Sơn 79/64 cầu, Tri Tôn 74/74 cầu, Tịnh Biên 19/17 cầu, tổng vốn đầu tư 806 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ các nguồn lực trong xã hội 585 tỷ đồng (tỷ lệ 72,56%), nhân dân đóng góp 117.164 ngày công và 1.523m2 đất để làm cầu.

Đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn (Ảnh chụp trước thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19)

Điểm nổi bật trong quá trình thực hiện là tinh thần chia sẻ cộng đồng. Người dân có điều kiện, sẵn sàng góp công, góp của để cùng nhà nước xây dựng quê hương thêm khởi sắc. Đặc biệt, khi triển khai hoàn thành đề án, đã tạo ra sức lan tỏa rất lớn đối với người dân khu vực nông thôn, tạo ý thức tự xây dựng và bảo vệ các công trình cầu, đường giao thông nông thôn.

Trong đó, có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ để xây dựng cầu giao thông nông thôn. Đáng chú ý nhất là chương trình do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tạp chí Nông thôn Việt vận động hỗ trợ xây dựng 52 cầu bê-tông cốt thép khu vực biên giới, với tổng kinh phí 82,9 tỷ đồng. Trong đó, vốn tài trợ 54,6 tỷ đồng, vốn địa phương đối ứng 28,3 tỷ đồng.

Sự thành công của Đề án xã hội hóa đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn (giai đoạn 2016-2020) đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn, mức chênh lệch thu nhập của người dân nông thôn và thành thị dần được thu hẹp. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH, mức tăng trưởng của các loại phương tiện vận tải và yêu cầu theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2021-2025) trên địa bàn tỉnh nên việc thực hiện tiếp Đề án xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn là cần thiết.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh An Giang phấn đấu thực hiện xã hội hóa hoàn thành tối thiểu 160 cầu giao thông nông thôn, với tổng vốn đầu tư gần 405 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trên 134 tỷ đồng, xã hội hóa gần 271 tỷ đồng và vận động DN, nhân dân đóng góp ngày công lao động, hiến đất và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Các cầu giao thông nông thôn xã hội hóa đầu tư (giai đoạn 2021-2025) phải được thực hiện kiên cố, vững chắc, đạt chất lượng và tuổi thọ theo tiêu chuẩn thiết kế cầu giao thông nông thôn theo quy định, ưu tiên kết cấu bằng bê-tông cốt thép hoặc cầu thép mạ kẽm. Phạm vi thực hiện chủ yếu trên các tuyến đường đến trung tâm xã, đường liên xã, liên ấp và các tuyến đường ra cánh đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Qua đó, đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH địa phương và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đồng thời, tạo nên môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các DN và nhà đầu tư vào khu vực nông thôn.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ công trình. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực thực hiện phong trào xây dựng cầu giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình trên địa bàn, để có kế hoạch về vốn, nhằm cân đối và đầu tư xây dựng. Ngoài ra, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, DN có nhiều đóng góp trong các hoạt động xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh…

TRUNG HIẾU