An Giang khai thác hài hòa lợi thế xuất khẩu

23/05/2023 - 04:55

 - An Giang có lợi thế vùng nguyên liệu lúa, cá, trái cây phong phú, đa dạng, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó là tuyến biên giới dài tiếp giáp Vương quốc Campuchia, nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia, cửa khẩu phụ. Tỉnh định hướng hoạt động xuất, nhập khẩu phát triển bền vững, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh; phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 5%/năm trở lên.

Thị trường rộng lớn

Những tháng đầu năm 2023, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh tăng trưởng so cùng kỳ về sản lượng và kim ngạch. Theo Sở Công Thương An Giang, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu quý I đạt hơn 333 triệu USD (tăng 7,8% so cùng kỳ 2022). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 285,2 triệu USD (tăng 7,7%, đạt 24,4% so kế hoạch năm 2023 - xuất khẩu 1,17 tỷ USD) và đạt kịch bản tăng trưởng quý I của tỉnh (xuất khẩu 285 triệu USD). Ghi nhận tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh quý I đạt trên 625 triệu USD (tăng 13% so cùng kỳ).

Trên cơ sở đánh giá tình hình thị trường, ước tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023 của An Giang có thể đạt 681 triệu USD, trong đó ước kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đạt 581 triệu USD, tăng hơn 5% so cùng kỳ 2022.

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, cơ sở cho nhận định khả quan về xuất khẩu là thị trường Trung Quốc đã mở cửa trở lại, thúc đẩy xuất khẩu nông, thủy sản, đặc biệt là sản phẩm cá tra, nhóm ngành hàng chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Dự báo, mặt hàng gạo, thủy sản, rau quả vẫn là điểm sáng xuất khẩu của tỉnh trong năm nay.

Xuất khẩu gạo 6 tháng của An Giang ước đạt gần 303.000 tấn, tương đương 163,6 triệu USD, tăng 5,7% về sản lượng và tăng gần 6% về kim ngạch so cùng kỳ 2022. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời nhận được đơn đặt hàng đến 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) trong năm 2023. Đối với thị trường Indonesia, Trung Quốc, sau mở cửa nền kinh tế, nhu cầu mua gạo tăng cao. Các doanh nghiệp (DN) còn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường truyền thống, như: Philippines, Malaysia, Australia… và một số thị trường mới (Nga, Bangladesh).

Đối với xuất khẩu thủy sản đông lạnh, sản lượng 6 tháng ước đạt 87.800 tấn, kim ngạch 196,8 triệu USD, tương đương cùng kỳ. Hàng may mặc ước xuất khẩu 6 tháng đạt 60,8 triệu USD, tăng 8,1%; xuất khẩu hàng may mặc tương đối ổn định ở thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu. Ngoài ra, vẫn còn một số mặt hàng xuất khẩu khác trong 6 tháng có kim ngạch đạt khá, như: Phân bón các loại (13 triệu USD); sắt thép (3 triệu USD); các loại hàng hóa khác kim ngạch xuất khẩu đạt 80 triệu USD.

Chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu

Đến nay, Việt Nam có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực; đang đàm phán thêm Hiệp định Việt Nam - Israel FTA. Qua đó, thiết lập quan hệ thương mại tự do với nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho An Giang. Bởi bên cạnh được miễn, giảm thuế nhập khẩu, các nước cũng có xu thế bảo hộ thương mại thông qua hàng rào phi thuế quan.

Do vậy, vấn đề quan trọng trong định hướng xuất khẩu lâu dài, ổn định là chất lượng nguồn nguyên liệu hàng hóa phải đảm bảo yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu khó tính; đòi hỏi DN phải liên kết nông dân, hợp tác xã sản xuất tập trung theo quy trình, tiêu chuẩn xuất khẩu.

Để tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, đơn vị tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải thấp, thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng liên kết chuỗi giá trị với DN xuất, nhập khẩu.

Sở NN&PTNT An Giang lựa chọn một số sản phẩm nông sản chất lượng cao thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của từng địa phương để hình thành vùng sản xuất tập trung phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường liên kết, chia sẻ thông tin giữa các tỉnh vùng ĐBSCL về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ nông, thủy sản minh bạch, công khai, có lợi cho nông dân; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Theo Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng, đơn vị tập trung triển khai kế hoạch tái cơ cấu các ngành công nghiệp tỉnh gắn với chuyển đổi số, đặc biệt ngành chế biến, chế tạo, nhằm tạo bứt phá, động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu. Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế, chính sách thu hút, mời gọi DN đầu tư sản xuất và cung ứng nguyên, phụ liệu cho DN sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là một số lĩnh vực xuất khẩu quan trọng, như: Nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, cơ khí… Trong đó, tập trung then chốt vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông - thủy sản sau thu hoạch.

An Giang tiếp tục hỗ trợ DN xuất khẩu của tỉnh tham gia cổng thông tin trực tuyến của đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2030”, giúp DN tiếp cận tập đoàn phân phối nước ngoài. Đồng thời, nâng cao vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, DN hạt nhân, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn

 

NGÔ CHUẨN