Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, tình hình KTXH 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh tăng trưởng khá tốt, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp. Các khu vực đều có mức tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng cao hơn kế hoạch đề ra, tiếp tục là bệ đỡ vững chắc cho nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng năm 2023 tăng 6,5%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (4,9%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,29%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,51%; khu vực dịch vụ tăng 8,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,62%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Đầu tư, xây dựng cơ bản ước giá trị giải ngân các kế hoạch vốn năm 2023 (kể cả vốn kéo dài năm 2022 sang năm 2023) đến hết 6 tháng 3.237 tỷ đồng, đạt 40,8% kế hoạch vốn đã giao. So cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân cao hơn 20,85% (cùng kỳ năm 2022 đạt 19,95%). Trong tháng 6, An Giang đã tổ chức Lễ khởi công Dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Ngoài ra, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ, tỉnh An Giang đã kiến nghị bổ sung dự án “Tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi qua cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C)”, đánh dấu bước tiến quan trọng trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh An Giang.
6 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 42.637 tỷ đồng, tăng 17,4% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 29.382 tỷ đồng, tăng 16,96% so cùng kỳ; doanh thu các ngành dịch vụ 13.255 tỷ đồng, tăng 18,37% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống và lưu trú, vận tải kho bãi, vui chơi giải trí, bất động sản tiếp tục tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành dịch vụ.
Tình hình phát triển du lịch có nhiều điểm tích cực so cùng kỳ, toàn tỉnh đón 6 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 15% so cùng kỳ và đạt 75% kế hoạch năm. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 3.900 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ và đạt 71% so kế hoạch cả năm.
Hoạt động xuất khẩu tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, các mặt hàng chủ lực đều tăng khá so cùng kỳ cả về sản lượng và kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 574 triệu USD, tăng 3,76% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh như xuất khẩu gạo gần 290.000 tấn, tương đương 158,7 triệu USD, so cùng kỳ tăng 8,22% về sản lượng và tăng 9,52% về kim ngạch. Tổng doanh thu hoạt động vận tải và kho bãi đạt 2.916 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách đạt 795 tỷ đồng, tăng 26,77% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa đạt 1.681 tỷ đồng, tăng 21,79% so cùng kỳ.
Cùng với đó, tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế địa bàn 3.959 tỷ đồng, đạt 59,64% so dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 96,7% so cùng kỳ. Trong đó thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 200 tỷ đồng, đạt 48,8% dự toán và bằng 75,8% so cùng kỳ; thu nội địa là 3.759 tỷ đồng, đạt 60,4% dự toán và bằng 98,1% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023 là 8.636 tỷ đồng, đạt 45,6% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 134,3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển 3.395 tỷ đồng, bằng 229% so cùng kỳ và chi thường xuyên là 5.241 tỷ đồng, tăng 5,8% so cùng kỳ.
Hoạt động tín dụng tiếp tục được duy trì ổn định, cơ cấu tín dụng phù hợp, đảm bảo cân đối. Ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt các chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, như: Cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo; cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu... Tổng số dư vốn huy động thực hiện đến nay ước đạt 64.920 tỷ đồng, tăng 2,97% so cuối năm 2022. Trong đó, huy động trên 12 tháng là 18.666 tỷ đồng, chiếm 28,98% trên tổng dư vốn huy động. Tổng dư nợ thực hiện đến cuối tháng 6 ước đạt 107.034 tỷ đồng, tăng 4,86% so cuối năm 2022.
Toàn tỉnh có khoảng 151 doanh nghiệp và 65 đơn vị trực thuộc tái hoạt động. Đồng thời, có 500 doanh nghiệp và 350 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới với tổng vốn đăng ký mới là 4.640 tỷ đồng. So cùng kỳ, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng 11,11%, số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động tăng 12,90%, số vốn đăng ký tăng 13,17% tương đương tăng 540 tỷ đồng.
Đồng thời, tỉnh đã tiếp nhận 17 dự án đầu tư đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 28.139 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 39 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư 305,9 triệu USD, tổng vốn thực hiện 176 triệu USD (chiếm 57,53% tổng vốn đầu tư đăng ký), tạo việc làm cho 16.800 lao động góp phần phát triển KTXH địa phương.
Với tín hiệu khả quan của kinh tế tỉnh nhà, sẽ là động lực, cơ sở quan trọng để thúc đẩy An Giang xây dựng và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2023.
TRỌNG TÍN