Điều kiện canh tác thuận lợi
An Giang không chỉ được biết đến là tỉnh có sản lượng lúa đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Kiên Giang) mà còn có điều kiện sản xuất thuận lợi. Với vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, được sông Tiền, sông Hậu cung cấp nước ngọt quanh năm, hầu như không bị tác động bởi nước biển dâng, xâm nhập mặn, đa phần diện tích đất trồng lúa của tỉnh đều canh tác được 3 vụ/năm.
Trong tổng diện tích đất lúa toàn tỉnh 229.631ha, huyện Tri Tôn có diện tích lớn nhất với 41.731ha, kế đến là các huyện Thoại Sơn 38.121ha, Châu Phú 32.602ha, Châu Thành 27.857ha, Phú Tân 23.545ha, TX. Tịnh Biên 17.261ha, huyện An Phú 14.052ha, Chợ Mới 12.884ha, TX. Tân Châu 10.169ha, TP. Châu Đốc 6.407ha và TP. Long Xuyên 5.002ha.
Qua khảo sát 11 huyện, thị xã, thành phố, diện tích áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” đạt 90.173ha, chiếm 39,27% diện tích xuống giống. Đây là điều kiện thuận lợi để tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao) của Bộ NN&PTNT.
Theo Sở NN&PTNT, ngay trong vụ đông xuân 2023 - 2024, các địa phương đăng ký tham gia đề án đạt 20.609ha, gồm: TP. Châu Đốc 276ha, TX. Tân Châu 500ha, TX. Tịnh Biên 2.000ha, các huyện: Thoại Sơn 9.781ha, Tri Tôn 2.338ha, Phú Tân 2.105ha, Châu Phú 1.893ha, An Phú 816ha, Châu Thành 800ha, Chợ Mới 100ha (TP. Long Xuyên không tham gia). Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tham gia liên kết Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích 13.432ha ở 10 huyện, thị xã, thành phố.
Mở rộng tham gia
Theo đăng ký từ các địa phương, tổng diện tích của An Giang tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đến năm 2025 là 103.668ha, 2026 là 113.531ha, 2027 là 123.394ha, 2028 là 133.258ha, 2029 là 143.121ha và đạt 152.985ha vào năm 2030. Trong đó, TP. Long Xuyên đạt 509ha vào năm 2025 và 947ha vào năm 2030, TP. Châu Đốc lần lượt 2.026ha và 2.887ha, TX. Tân Châu 6.151ha và 8.977ha, TX. Tịnh Biên 8.804ha và 10.000ha, các huyện: Thoại Sơn 21.459ha và 32.068ha, Tri Tôn 16.683ha và 26.620ha, Châu Phú 16.306ha và 24.341ha, Châu Thành 12.856ha và 18.800ha, Phú Tân 7.830ha và 12.348ha, An Phú 5.472ha và 8.072ha, Chợ Mới 5.572ha và 7.926ha.
Sự chủ động tham gia của An Giang là rất cần thiết, nhằm đón đầu cơ hội thị trường khi nhu cầu lương thực trên thế giới rất lớn, trong khi nguồn cung hạn chế. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn tận dụng cơ hội xuất khẩu, trên cơ sở đẩy mạnh liên kết sản xuất với doanh nghiệp (DN), giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh. “Ngoài các thị trường truyền thống, nhiều nước khác cũng đang cần gạo của Việt Nam, riêng Ả Rập Xê Út đang rất cần ký kết, mở lối xâm nhập mạnh vào thị trường Trung Đông” - ông Nam nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề án sẽ triển khai ngay trong vụ đông xuân 2023 - 2024 với diện tích 180.000ha. Tại hội nghị lúa gạo quốc tế do Viện Lúa quốc tế tổ chức, khi đại diện Việt Nam trình bày đề án, các đại biểu quốc tế đều thống nhất và ủng hộ, bởi đây là dự án đầu tiên trên thế giới về giảm phát thải.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam, trước hết hỗ trợ 40 triệu USD để chi trả tín chỉ carbon, tiếp theo hỗ trợ khoảng 400 triệu USD để đầu tư hạ tầng cho vùng lúa sản xuất giảm phát thải. Không chỉ WB mà các tổ chức quốc tế khác cũng tham gia đề án, mở ra hướng mới cho các DN tham gia chuỗi liên kết. WB sẽ có cơ chế cho vay đối với các DN đầu tư vào đề án khi đảm bảo điều kiện, tiêu chí quy định.
“Chính nông dân tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao (dự kiến 1 triệu hộ) sẽ hưởng lợi nhuận gia tăng, không chỉ ở sản phẩm từ cây lúa, mà chính từ bán thương hiệu giảm phát thải. Các DN cần tích cực tham gia đề án, là hướng đi mới và đột phá của ĐBSCL đối với nghề trồng lúa, giúp cho bà con nông dân, DN có giá trị gia tăng cao hơn” - ông Nam kỳ vọng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, điểm mạnh của An Giang có diện tích sản xuất lúa rất lớn, thuận lợi tham gia đề án. Tuy nhiên, cần tổ chức các mô hình trình diễn để thay đổi tập quán sản xuất của nông dân theo tiêu chí mới, nhất là tiêu chí về giảm lượng giống gieo sạ. Bên cạnh đó, nâng cấp hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng; củng cố, nâng chất các hợp tác xã, huy động DN tham gia vào hợp tác xã và ký hợp đồng liên kết chặt chẽ để đạt hiệu quả cao nhất.
Với Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu giảm 20% chi phí canh tác, tăng 10% giá bán lúa theo hợp đồng liên kết sản xuất. Trong phạm vi 1 triệu ha lúa vùng chuyên canh, với sản lượng khoảng 13 triệu tấn lúa, lợi nhuận từ giảm chi phí và tăng giá bán dự kiến tăng thêm hơn 16.000 tỷ đồng/năm, chưa kể lợi nhuận từ bán thương hiệu giảm phát thải (bán tín chỉ carbon)
|
NGÔ CHUẨN