An Giang kỳ vọng phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao

15/05/2024 - 06:34

 -  “Thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, An Giang hướng mục tiêu đến năm 2025 diện tích canh tác 44.051ha và nhân rộng ở những vùng thuận lợi. Đến năm 2030, diện tích canh tác phấn đấu đạt 152.198ha” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết.

Mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị

Theo kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, An Giang kết hợp tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững, nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thúc đẩy hình thành và phát triển ổn định hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), tổ chức nông dân, đóng góp quan trọng vào chuỗi liên kết lúa gạo; tăng dần tỷ lệ sản xuất có liên kết tiêu thụ qua từng năm thực hiện. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo điển hình, làm mô hình kiểu mẫu cho phát triển lĩnh vực lúa gạo tại An Giang đến năm 2030.

Để canh tác bền vững, đến năm 2025, tỉnh sẽ giảm 20% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học và lượng nước tưới (so canh tác truyền thống); giảm đến 30% vào năm 2030. Có 100% diện tích (tương đương 100% hộ) áp dụng ít nhất 1 quy trình canh tác bền vững (“1 phải, 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận) và được cấp mã số vùng trồng.

Từ năm 2025 - 2023, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với THT, HTX hoặc tổ chức nông dân. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50 - 70% diện tích. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8 - 10%. Từ 35.000 - 100.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững; 70 – 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng, được chế biến tái sử dụng.

Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30 - 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa trên 40 - 50%. Lượng gạo chất lượng cao và phát thải thấp xuất khẩu chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Nhiều nhiệm vụ và giải pháp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, để đạt được các mục tiêu, tỉnh thực hiện hiệu quả chính sách phát triển nông nghiệp của Chính phủ, của tỉnh, như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; một số chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực, khuyến khích phát triển HTX...

Quy hoạch và tổ chức lại sản xuất là giải pháp then chốt. An Giang xác định quy mô vùng sản xuất lúa tập trung, nằm trong vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất ít nhất 2 vụ lúa/năm, hoặc sản xuất 2 vụ lúa có xen canh, luân canh rau màu, thủy sản, đảm bảo tiêu chí xây dựng vùng lúa chất lượng cao.

Đồng thời, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, kết nối giao thông nội đồng và hệ thống giao thông liên vùng; nâng cấp hệ thống thủy lợi tưới, tiêu nội đồng; trang bằng đồng ruộng theo từng tiểu vùng; rà soát mạng lưới kho, sấy, chế biến trong vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, bảo đảm cung cấp tốt dịch vụ kỹ thuật và bảo quản sau thu hoạch.

Để tăng hàm lượng khoa học - công nghệ, tỉnh quan tâm công tác giống và kỹ thuật canh tác; xây dựng cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng vùng, tiểu vùng sinh thái, đảm bảo phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận, giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản. Hỗ trợ, hướng dẫn HTX, THT, tổ chức nông dân có đủ năng lực sản xuất lúa giống hoặc liên kết sản xuất lúa giống.

Đẩy mạnh kỹ thuật trong làm đất, thu gom rơm rạ và không đốt đồng; phát triển hoạt động nghiên cứu, sử dụng phụ phẩm rơm rạ trong sản xuất để làm nấm, chế biến phân hữu cơ, hoàn trả lại chất dinh dưỡng cho đồng ruộng. Phát triển, nhân rộng mô hình sản xuất tuần hoàn, tăng tối đa hiệu quả sản xuất, gắn với tăng trưởng xanh.

Cùng với đó, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số; phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị di động thông minh giúp quản lý nông nghiệp số, kinh tế số; thu thập dữ liệu trong quá trình canh tác, dự báo, cảnh báo và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo cấy, đến chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và sau thu hoạch, như: San phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser, thiết bị bay không người lái (drone) để gieo sạ, bón phân, phun thuốc…

 “Để hiện thực hóa đề án, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường hướng dẫn, thực hành sản xuất nông sản an toàn, hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đào tạo đội ngũ tư vấn viên thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); cấp mã số vùng trồng tại vùng nguyên liệu, tăng liên kết, đảm bảo thị trường đầu ra; nâng cao năng lực HTX, THT; chuyển đổi HTX từ hoạt động truyền thống sang hoạt động kinh doanh như doanh nghiệp nhỏ...” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm chia sẻ.

HẠNH CHÂU