An Giang: Lực lượng truy vết - “lá chắn” phòng, chống dịch COVID-19

31/08/2021 - 04:26

 - Thời gian qua, lực lượng công an toàn tỉnh An Giang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp tốt với các cơ quan, ban, ngành triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần quan trọng kiểm soát và kiềm chế dịch bệnh trên địa bàn.

Ngay khi ghi nhận những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng, Công an tỉnh đã thực hiện hàng loạt biện pháp quyết liệt, như: lập hàng trăm chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào tỉnh; cử hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn 24/24 giờ; tuyên truyền, nhắc nhở và cương quyết xử phạt hàng ngàn trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch; thành lập lực lượng truy vết các F0, F1, F2… trong toàn tỉnh. Những biện pháp này được xem như tấm lá chắn vững chắc, giúp ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Một trong những mảnh ghép âm thầm, nhưng vô cùng quan trọng của “lá chắn” là lực lượng truy vết. Để nhân rộng kết quả tích cực mà Đại đội truy vết của Công an tỉnh và 11 Trung đội truy vết Công an cấp huyện đã đạt được thời gian qua, ngày 12-8-2021, Công an tỉnh quyết định thành lập lực lượng truy vết dịch COVID-19 Công an tỉnh.

Các địa phương đồng loạt ra mắt lực lượng truy vết từ huyện đến cơ sở với 14.738 người, bao gồm rất nhiều tầng lớp trong xã hội như: y tế, dân phố, dân phòng, đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, quần chúng nhân dân… mà công an là lực lượng giữ vai trò chủ công. Với phương châm “4 tại chỗ”, khi phát hiện có F0 tại địa phương, ngay lập tức các lực lượng truy vết của khóm, ấp sẽ tiến hành truy vết nhanh F1, F2.

Tiểu đội truy vết lưu động Công an tỉnh đang làm nhiệm vụ

Trao đổi với các thành viên Tiểu đội truy vết lưu động của Công an tỉnh (hiện đang hỗ trợ thị trấn Vĩnh Bình, huyện Châu Thành), chúng tôi ghi nhận được nhiều câu chuyện và tâm tư của những “chiến binh truy vết” lưu động.

Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn (cán bộ Phòng Công tác Đảng, công tác chính trị, Tiểu đội trưởng Tiểu đội truy vết lưu động) cho biết: “Khi có thông tin F0 nào đó, tâm lý chung của nhiều người sẽ tránh xa F0 và những địa điểm có ổ dịch COVID-19. Ngay lúc này, lực lượng truy vết chúng tôi lại đi “ngược hướng”. Mặc nguy cơ bị lây nhiễm bất cứ lúc nào, chúng tôi vẫn lao vào tâm dịch với phương châm thần tốc truy vết “đào tận gốc, trốc tận rễ” F0 đưa đi điều trị, còn các F1, F2 đưa đi cách ly tập trung hay thực hiện cách ly tại nhà, chặn nguồn lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”.

Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ thêm: “Tiểu đội truy vết gồm 13 người. Gần 2 tháng nay, chúng tôi di chuyển liên tục, truy vết hết ổ dịch ở địa phương này, di chuyển đến những ổ dịch mới phát sinh ở các địa phương khác. Thời gian thực hiện nhiệm vụ của chúng tôi bất kể ngày, đêm, nắng, mưa, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi có yêu cầu là chúng tôi sẽ nhanh chóng xuất hiện. Mặc dù công việc vất vả, nguy hiểm, nhưng với tinh thần người chiến sĩ Công an nhân dân, cho dù phải lao vào vùng hiểm nguy để bảo vệ an toàn cho người dân, chúng tôi luôn sẵn sàng”.

Hiểm nguy không ngại, nhưng thượng úy Nguyễn Thanh Tùng (cán bộ phòng Hậu cần, thành viên Tiểu đội truy vết lưu động) lại có nỗi nhớ da diết. Vợ mới sinh em bé, nhưng gần 2 tháng qua anh chưa được về thăm con.

Anh Tùng chia sẻ “Nhiều lúc nhớ con lắm, nhưng chỉ tranh thủ hỏi thăm vợ con qua điện thoại. Tiểu đội di chuyển liên tục, ngang nhà cũng đâu có dám vô thăm con, vì công việc, với lại sợ không an toàn cho gia đình. Tôi cùng anh em quyết tâm thực hiện việc truy vết thật nhanh, thật tốt để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Có như vậy thì thời gian được về với gia đình, được thăm vợ con mới ngắn lại”.

Xếp lại chuyện riêng, lao vào nơi nguy hiểm để truy kích “giặc COVID-19” là tinh thần cống hiến thầm lặng của các “chiến binh” Tổ truy vết lưu động Công an tỉnh nói riêng và lực lượng truy vết toàn tỉnh nói chung.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh ghi nhận: “Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ công an và các lực lượng phối hợp khác đã truy vết hàng ngàn ca F0, hàng chục ngàn ca F1, F2 trên địa bàn tỉnh. Họ là những tấm lá chắn trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Thời gian tới, lực lượng này sẽ tiếp tục nhiệm vụ thần tốc truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng để điều trị, ngắt nhanh nguồn lây, nhanh chóng làm sạch địa bàn để bảo vệ vững chắc “vùng xanh”, xanh hóa “vùng vàng”, “vùng cam” và thu hẹp “vùng đỏ”. Đây là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và có tính quyết định, đẩy nhanh chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 tại An Giang”.

PHẠM GIANG