An Giang nâng cao chất lượng các loại hình kinh tế tập thể

18/03/2021 - 04:13

Tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của các loại hình kinh tế tập thể trong phát triển nông nghiệp của từng địa phương, năm 2021, Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp Liên minh Hợp tác xã (HTX) thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao số lượng, chất lượng các tổ hợp tác (THT), HTX trên địa bàn tỉnh.

Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 768 THT, với gần 15.000 thành viên; số lượng HTX nông nghiệp toàn tỉnh là 174 với sự tham gia của hơn 12.000 thành viên.

Hiệu quả kinh tế hợp tác

Đến thăm HTX nông nghiệp Ô Lâm (xã Ô Lâm, Tri Tôn) trong lúc các thành viên đang tất bật chăm sóc vườn cây ăn trái của gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, các thành viên ở đây cho biết, vườn cây ăn trái đang được sản xuất theo hướng an toàn để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. HTX nông nghiệp Ô Lâm được thành lập năm 2020, hoạt động theo Luật HTX năm 2012, vốn điều lệ 150 triệu đồng. HTX hiện có 16 thành viên, canh tác trên diện tích 70ha, trồng chủ yếu các loại xoài, như: xoài keo, xoài tượng da xanh…

Giám đốc HTX nông nghiệp Ô Lâm Bùi Xuân Điện cho biết, khi tham gia HTX, các thành viên sẽ hưởng được nhiều lợi ích. Trong đó, cây giống được cung cấp với giá ưu đãi và được hỗ trợ chi trả nhiều đợt, đã giúp thành viên giảm bớt khó khăn trong việc huy động vốn. Ngoài ra, các thành viên khi tham gia HTX còn được hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật sản xuất để tăng năng suất cây trồng; hàng hóa nông sản của các thành viên sẽ được tiêu thụ dễ dàng hơn do có nguồn gốc, địa chỉ xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, nông dân sẽ được tiếp cận với nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ về vốn để đảm bảo nguồn vốn phục vụ sản xuất…

Theo đánh giá của ông Điện, dù thành lập chưa lâu nhưng HTX nông nghiệp Ô Lâm đã tạo được uy tín với thành viên. “Hiện nay, nhiều nông canh tác ở các địa bàn lân cận đã xin gia nhập HTX. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, đầu ra các mặt hàng nông sản còn gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi chủ trương không kết nạp thêm thành viên mà sẽ củng cố lại hoạt động của tổ chức HTX. Khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, việc sản xuất - kinh doanh mang lại hiệu quả, chúng tôi sẽ tiến hành mở rộng quy mô” - ông Điện chia sẻ.

Nâng chất các loại hình kinh tế tập thể

Thực tế thời gian qua cho thấy, các mô hình kinh tế hợp tác (THT, HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, trở thành cầu nối liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp. Qua đó giúp người nông dân tự tin, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, các mặt hàng sản xuất ra bán có giá, lợi nhuận của người nông dân ngày càng được nâng cao, góp phần không nhỏ trong việc hướng tới một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các loại hình kinh tế hợp tác, năm 2021, Hội Nông dân tỉnh An Giang và Liên minh HTX đã cùng nhau ký kết chương trình phối hợp nhằm duy trì, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình kinh tế hợp tác. Qua đó, tạo điều kiện để thành lập mới các THT, HTX trên các lĩnh vực có lợi thế của địa phương.

Chương trình đưa ra mục tiêu đến hết năm 2021, toàn tỉnh An Giang sẽ có 70% số THT và HTX xếp loại khá, tốt trở lên; tỷ lệ yếu kém dưới 2%. Phấn đấu thành lập mới 80 THT, 20 HTX; xây dựng 11 mô hình hợp tác nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm phát triển bền vững. Chương trình còn đưa ra mục tiêu 100% THT, HTX hoạt động đúng quy định của Nghị định số 77/NĐ-CP và Luật HTX năm 2012, trong đó có tối thiểu 10 THT, 10 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp…

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới, các đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX. Bên cạnh đó, các đơn vị khi tham gia sẽ đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTX với doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp xây dựng và thực hiện các dự án để thực hiện các chương trình, như: giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…

ĐỨC TOÀN