An Giang nâng cao hiệu quả thi hành án

06/01/2021 - 04:21

 - Khi công tác thi hành án được thực hiện tốt, vừa đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và củng cố niềm tin của người dân. Để công tác thi hành án đạt hiệu quả, cần có sự thống nhất về quy định pháp luật và phối hợp tốt trong xử lý.

Tài sản bán đấu giá vẫn do người phải thi hành án quản lý nên gây khó khăn trong việc thu hồi (ảnh minh họa)

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự (THADS) tỉnh An Giang Lâm Phước Nghĩa cho biết, kết quả công tác THADS năm 2020 tiếp tục được phát huy. Cơ quan THADS địa phương đã xuất sắc hoàn thành 2 chỉ tiêu “cứng” do Tổng cục THADS giao. Trong đó, về việc, đã giải quyết xong 11.579 vụ, đạt tỷ lệ 81,09% (vượt chỉ tiêu 1,09%); về tiền, giải quyết xong 972 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 57,11% (vượt 19,11% so chỉ tiêu Tổng cục THADS giao).

“Về thi hành án (THA) đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước, số việc phải thi hành là 12.034 việc, tương ứng số tiền 199,5 tỷ đồng (chiếm 65,46% về việc và 5,25% về tiền so tổng số việc và tiền phải THA). Kết quả, trong số có điều kiện thi hành loại này, đã thi hành được 8.945 việc, thu được số tiền 75,7 tỷ đồng (đạt 86,42% về việc và 80,38% về tiền)” - ông Nghĩa thông tin.

Về tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, có 919 việc phải THA, tương ứng 3.387 tỷ đồng (chiếm 4,99% về việc và 89,21% về tiền so tổng số việc và tiền phải THA). Kết quả, đã thi hành được 125 việc, thu được 227,6 tỷ đồng (đạt 20,09% về việc và 23,75% về tiền có điều kiện THA). Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, có tổng số 18 việc phải thi hành với số tiền 88 tỷ đồng. Trong đó, số có điều kiện thi hành là 14 việc, tương ứng 22 tỷ đồng. Kết quả, đã thi hành xong 12 việc, số tiền trên 10,9 tỷ đồng.

Năm 2020, các cơ quan THADS đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế THA đối với 467 trường hợp, tăng 62 trường hợp so cùng kỳ năm 2019 (có 62 trường hợp đương sự tự nguyện THA nên thực tế cưỡng chế 405 trường hợp). Có 254 vụ cưỡng chế thành công (không có vụ cưỡng chế không thành công), trong đó có 49 cuộc cưỡng chế có huy động lực lượng liên ngành, giảm 20 trường hợp so cùng kỳ năm 2019.

Ông Nghĩa cho biết, mặc dù kết quả THADS năm 2020 đạt khá nhưng giá trị THA lại rất thấp, ảnh hưởng lớn đến công tác thu phí THA (số phí thu được chỉ đạt 70% dự toán được giao đầu năm 2020). Nguyên nhân do khó khăn trong triển khai THA trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Nguyên nhân quan trọng khác là về mặt thể chế, một số quy định của pháp luật còn bất cập, không còn phù hợp thực tế, quy định chồng chéo, thiếu cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Vướng mắc giao tài sản trúng đấu giá

Thực tế nhiều năm qua, việc giao tài sản đã bán đấu giá thành rất khó khăn, hầu hết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA, tạo tâm lý e ngại cho người dân khi mua tài sản THA. Nguyên nhân do tài sản bán đấu giá là tài sản vẫn do người phải THA quản lý, đôi khi là chỗ ở duy nhất của người có tài sản nên họ không tự nguyện bàn giao cho người trúng đấu giá.

Ông Lâm Phước Nghĩa cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn 14 trường hợp trúng đấu giá nhưng chưa nhận được tài sản. Trong đó, 1 vụ đã có kế hoạch THA cưỡng chế, 5 vụ đang chờ kế hoạch phối hợp từ phía công an, 8 vụ phải thỏa thuận vận động người phải THA giao tài sản tự nguyện thi hành và xin ý kiến Ban Chỉ đạo THA giải quyết khiếu nại liên quan.

Những vướng mắc trong THA tài sản trúng đấu giá có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Ông Nghĩa cho rằng, nguyên nhân chủ quan đến từ phía cơ quan THA, mà cụ thể là chấp hành viên (sau khi đã bán đấu giá, chấp hành viên không giao tài sản cho người trúng đấu giá). Đối với những chấp hành viên vi phạm, thời gian qua đều bị xử lý. Về nguyên nhân khách quan, do người bị THA chây ì, tìm mọi cách kéo dài thời gian bàn giao tài sản. “Họ lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài thời gian bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, mặc dù khiếu nại không có cơ sở. Khi nhận được khiếu nại thì cơ quan THA phải tập trung giải quyết, khi nào xong mới giao tài sản được” - ông Nghĩa thông tin.

Theo Cục trưởng Cục THADS tỉnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ THA cưỡng chế giao tài sản phải kể tới là do sự phối hợp giữa các cơ quan chưa kịp thời. Cụ thể, một số địa phương còn ngại trong huy động lực lượng cưỡng chế, còn nặng về vấn đề an sinh xã hội đối với người phải THA, còn có suy nghĩ rằng, khi dỡ nhà trả đất hoặc di dời tài sản trên đất thì người dân phải đi đâu. “Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, đối với người phải giao trả nhà, đất thì họ được thuê ở trong 12 tháng và người được THA phải hỗ trợ phần thuê này” - ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, một số địa phương còn chậm trong việc xây dựng lực lượng bảo vệ THA cưỡng chế. Một số huyện còn phụ thuộc, trông chờ vào kết quả phê duyệt kế hoạch cưỡng chế của Ban Giám đốc Công an tỉnh dẫn đến nhiều việc tiến độ phối hợp cưỡng chế giao tài sản còn rất chậm. Về vấn đề này, Giám đốc Công an tỉnh An Giang Đinh Văn Nơi giải thích: “Khi công an cấp huyện phối hợp thực hiện THADS cưỡng chế vụ việc nào đó phải báo cáo cơ quan cấp tỉnh để phê duyệt phương án cưỡng chế. Đây là một trong những quy định của Bộ Công an. Một số vụ việc lực lượng cấp huyện không đủ để thực hiện bảo vệ THA cưỡng chế, do đó phải báo cáo cho cơ quan cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch, tăng cường lực lượng hỗ trợ để đảm bảo an ninh chính trị, an toàn tính mạng…”.

Thời gian tới, Cục THADS tỉnh An Giang báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo THADS tỉnh thống nhất ký kết quy chế phối hợp trong cưỡng chế THADS giữa Cục THADS, Viện Kiểm sát nhân dân và Công an tỉnh. Qua đó, bảo đảm thực hiện tốt công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS.

NGÔ CHUẨN