An Giang: Ngành ngân hàng đảm bảo cung ứng nguồn vốn tín dụng

02/04/2024 - 06:18

 - Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang định hướng vốn huy động tại địa phương tăng 10 - 12% trở lên, dư nợ cho vay tăng 14 - 15% và có điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế; kiểm soát nợ xấu dưới 3%. “Ngành ngân hàng đảm bảo cung ứng tốt nhất nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN), góp phần thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”- Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng khẳng định.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, thông qua các nhóm giải pháp hỗ trợ DN, hệ thống ngân hàng An Giang trong năm 2024 tiếp tục đồng hành với DN vượt qua khó khăn, thúc đẩy SXKD, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Trọng tâm là thực hiện các chỉ đạo của NHNN Việt Nam, nhằm đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng và phát triển theo định hướng điều hành của NHNN Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ năm 2024. Đồng thời, đảm bảo thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng tăng trưởng ổn định, hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển theo mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, hệ thống ngân hàng An Giang tiếp tục đồng hành và hỗ trợ DN phát triển. Tăng cường thông tin, truyền thông về chính sách của lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, tập trung tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của ngành đối với DN; đảm bảo DN và người dân nắm bắt thông tin và thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng.

"Đây là nội dung trọng tâm, được tổ chức thực hiện xuyên suốt, quyết liệt, hỗ trợ DN phát triển, sẽ góp phần quan trọng mở rộng và tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng dịch vụ ngân hàng an toàn. Quá trình này, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, NHNN; chương trình kết nối ngân hàng - DN và các hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN; trong đó, chương trình kết nối ngân hàng - DN thực hiện xử lý, giải quyết theo từng nhóm đối tượng khách hàng”- ông Nguyễn Tuấn Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng đề nghị, các tổ chức tín dụng bám sát kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng tín dụng phù hợp diễn biến thị trường; trong đó tập trung các lĩnh vực ưu tiên, chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thông qua chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tín dụng - ngân hàng. Đồng thời, mở rộng tín dụng tiêu dùng an toàn, lành mạnh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nhất là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Cùng với đó, thực hiện các biện pháp, như: Xử lý hồ sơ thủ tục nhanh, dịch vụ tiện ích hơn; điều chỉnh giảm phí… để giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ DN.

Ngành ngân hàng sẽ thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn An Giang, đảm bảo các tổ chức tín dụng thực hiện kỷ cương, kỷ luật thị trường, tăng trưởng hoạt động an toàn, bền vững. Từ đó, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh với vai trò là chủ thể của ngành dịch vụ, cũng như đồng hành, hỗ trợ DN An Giang tăng trưởng và phát triển.

Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số ngành ngân hàng, đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, gắn với quá trình đổi mới và ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại. Thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; kỷ cương, kỷ luật thị trường, tăng trưởng hoạt động an toàn, bền vững, quản lý tốt chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

UBND tỉnh tặng bằng khen các tập thể hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ

Năm 2023, hoạt động lưu thông tiền tệ trên địa bàn tỉnh an toàn, thông suốt. Bằng những chỉ đạo quyết liệt, có hệ thống và đồng bộ các giải pháp, kết quả dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh tăng 10,24% so cuối năm 2022, vượt kế hoạch tăng trưởng tín dụng của hội sở các tổ chức tín dụng giao 0,24%, đạt 112.523 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 78,51%, trung dài hạn chiếm 21,49%. Đáng chú ý, dư nợ cho vay khách hàng pháp nhân 27.793 tỷ đồng với 1.445 hồ sơ tín dụng; dư nợ cho vay khách hàng thể nhân 84.730 tỷ đồng với 297.777 hồ sơ tín dụng. Vốn huy động tại địa phương tiếp tục tăng trưởng khá, tăng 10% so cuối năm 2022, đạt 69.355 tỷ đồng.

Cơ cấu về kỳ hạn và loại tiền tiếp tục giữ ổn định, phù hợp mục tiêu chống đô-la hóa nền kinh tế. Cơ cấu tín dụng giữa đồng nội tệ, ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực SXKD là động lực tăng trưởng kinh tế.

Chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng đạt khá tốt, nợ xấu chiếm 1,01%/tổng dư nợ. Đặc biệt, năm 2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,34% (giá trị 115.185 tỷ đồng), trong đó dư nợ tín dụng chiếm 97,68%. Qua đó cho thấy, vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh có sự đóng góp rất lớn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn.

Để tiếp tục thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn phục vụ phát triển SXKD cho người dân và DN, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh đề nghị các tổ chức tín dụng rà soát, nắm bắt thông tin, khó khăn, vướng mắc của DN tạo môi trường thuận lợi cho DN, nhà đầu tư. “NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, giám sát hoạt động hỗ trợ người dân, DN của các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, DN...”- ông Nguyễn Tuấn Dũng nhấn mạnh.

HẠNH CHÂU