An Giang nỗ lực xây dựng nông thôn mới

23/03/2021 - 06:29

 - Dù kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn An Giang đạt khá tốt nhưng không vì thế mà tự mãn, chủ quan. Nếu không nỗ lực thực hiện hoàn thành những chỉ tiêu mới cũng như củng cố, nâng chất những chỉ tiêu đã đạt được, NTM dễ bị thụt lùi.

Xây dựng đường bê-tông nông thôn

Nhiều cố gắng

Dù xuất phát điểm khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn An Giang khá thấp, nhưng kết quả đạt được đến thời điểm này là rất đáng tự hào. Cùng với con số 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 51,26%), có 17 xã đã đạt 19 tiêu chí xã NTM nâng cao; bình quân tiêu chí NTM/xã là 16 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện NTM; TP. Châu Đốc và TP. Long Xuyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bên cạnh thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, quá trình xây dựng NTM góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Thu nhập bình quân của các xã NTM đạt 50 triệu đồng/người/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn 2016-2020) bình quân 1,5%/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khu vực nông thôn đạt 90%...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho biết, khi triển khai xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp qua từng năm. Các tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện, đường trục ấp, liên ấp, đường dân sinh và đường nội đồng luôn được quan tâm đầu tư và duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại cũng như việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân ngày càng tốt hơn. Hệ thống thủy lợi nội đồng được hoàn thiện, đảm bảo chủ động tưới và tiêu cho diện tích sản xuất nông nghiệp. Tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đều được ngành điện bán điện trực tiếp. Hệ thống lưới điện được ngành điện đầu tư cấp điện cho người dân đều đảm bảo tiêu chuẩn, kỹ thuật và các quy định của nhà nước. Đến nay, tỷ lệ hộ dân còn nhà tạm, dột nát chiếm khoảng 0,9%, tỷ lệ hộ dân có nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng (đảm bảo “3 cứng”) đạt trên 80%.

Nếu cuối năm 2019, toàn tỉnh có 14.170 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63% thì đến cuối năm 2020, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,9%; riêng tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,25% (cuối năm 2019) xuống mức 2,34% (cuối năm 2020). Ngoại trừ xã Phú Hữu (An Phú), có 118/119 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ người lao động có việc làm. Đến nay, có 100% số xã đạt tiêu chí về văn hóa; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch khu vực nông thôn đạt 92%...

Khắc phục tâm lý bằng lòng, thỏa mãn

Theo ông Trương Kiến Thọ, trong số 61 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có 21 xã được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chí được ban hành tại Quyết định số 2361/QĐ-UBND, ngày 15-11-2013 và 40 xã được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chí ban hành tại Quyết định số 3379/QĐ-UBND, ngày 28-11-2016 của UBND tỉnh. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 135-TB/TU, ngày 1-3-2018 của Tỉnh ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp các sở, ngành phân công các đơn vị có liên quan trực tiếp hỗ trợ các xã thực hiện cập nhật, duy trì, nâng cao tiêu chí, chỉ tiêu theo Quyết định số 3379/QĐ-UBND. Kết quả, có 45 xã đạt tất cả 19 tiêu chí theo bộ tiêu chí mới; 12 xã đạt 18 tiêu chí; 1 xã đạt 17 tiêu chí (xã Mỹ Đức, Châu Phú); 3 xã đạt 16 tiêu chí là xã Bình Thủy, xã Bình Chánh (Châu Phú) và xã Phú Lâm (Phú Tân).

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, hầu hết các xã đã cố gắng phấn đấu nhằm duy trì mức độ đạt chuẩn sau khi được công nhận. Trong số 11 huyện, thị xã, thành phố, có 3 đơn vị đảm bảo duy trì 100% số xã đạt 19 tiêu chí. Tuy nhiên, một số địa phương còn lơ là, chủ quan sau khi đã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, dẫn đến tình trạng các xã không duy trì, giữ vững mức độ đạt được. Trong đó có những tiêu chí, chỉ tiêu không cần vốn nhưng vẫn không đạt như: tiêu chí 13 (Tổ chức sản xuất), chỉ tiêu 15.1 (Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế), chỉ tiêu 18.3 (Đảng bộ trong sạch, vững mạnh); riêng với chỉ tiêu 19.2 (xã đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự), có đến 11 xã không đạt. Đáng lưu ý là huyện Châu Phú với 7 xã đạt chuẩn NTM nhưng chỉ có 1 xã duy trì, giữ vững mức độ đạt 19 tiêu chí (xã Ô Long Vĩ được công nhận năm 2019), các xã còn lại đều không giữ vững kết quả đã đạt được qua các năm; có những xã sau khi công nhận đến nay liên tục không giữ vững các tiêu chí đã đạt, như: Bình Thủy, Mỹ Đức, Khánh Hòa.

Đối với bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, dù đã có 17 xã đạt 19/19 tiêu chí, 35/35 chỉ tiêu nhưng tập trung nhiều ở huyện Thoại Sơn, trong khi 4 huyện vẫn chưa có xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Châu Phú).

Có thể thấy, qua thời gian được công nhận xã NTM, một số đơn vị, địa phương có biểu hiện thỏa mãn, thiếu tập trung trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát thực hiện duy trì nâng chất tiêu chí, dẫn đến “rớt” một số tiêu chí, như: bảo hiểm xã hội, môi trường, an ninh trật tự... Năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu thêm 10 xã đạt chuẩn NTM, thêm 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã NTM đạt 51 triệu đồng/người/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 92%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 93%... Nếu không khắc phục tình trạng lơ là, chủ quan, chẳng những chỉ tiêu xây dựng NTM bị ảnh hưởng mà chất lượng cũng giảm, không tương xứng với công sức đã bỏ ra.

NGÔ CHUẨN

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2020 trên địa bàn An Giang gần 2.689,3 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 335,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 849,7 tỷ đồng, các nguồn huy động hợp pháp khác chiếm hơn 1.504 tỷ đồng. Toàn tỉnh không có nợ đọng cơ bản trong xây dựng NTM năm 2020.