An Giang phát huy vai trò “tai, mắt” của nhân dân trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19

26/05/2021 - 05:25

 - Đó là yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đối với các địa phương, đặc biệt là các địa phương biên giới. Cùng với phát huy vai trò “tai, mắt” của nhân dân thì việc thực hiện động viên, khen thưởng “nóng” song song với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang (thứ 3, từ trái sang) cùng đoàn công tác khảo sát tuyến đường tuần tra biên giới huyện Tịnh Biên. Ảnh:  N.C

Trách nhiệm với tuyến biên giới

Nếu như vào mùa khô, vùng biên giới thường xuất hiện những đợt nắng cháy da thì khi bắt đầu vào mùa mưa, công tác tuần tra, bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 càng vất vả hơn. Những chốt biên giới, dù đã được xây dựng bán kiên cố nhưng trước những đợt mưa lớn kèm giông, lốc, vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều. Các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) vừa phải khắc phục khó khăn, gia cố lều trại, chốt trực, vừa hoàn thành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ, đảm bảo ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, cũng là ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nội địa.

Trên địa bàn huyện Tịnh Biên, nơi có Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên cùng tuyến biên giới dài hơn 20km tiếp giáp tỉnh Takeo (Campuchia), dù chưa phát hiện có ca mắc COVID-19 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Dọc theo các đường mòn, lối mở và bến đò, nhiều đối tượng lợi dụng đêm tối để nhập cảnh trái phép. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh vào cộng đồng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Đồn Biên phòng Nhơn Hưng đã chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện, các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn biên giới huyện Tịnh Biên tăng cường quản lý, siết chặt biên giới, tổ chức kiểm tra chốt chặn 24/24 giờ, nhất là các tuyến đường mòn, lối mở; quản lý chặt chẽ các hoạt động nhập cảnh, giao thương hàng hóa tại cửa khẩu, ngăn chặn triệt để các trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới…

Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân cho biết, huyện đã triển khai 55 tổ, chốt chặn dọc tuyến biên giới (trong đó có 4 tổ lưu động) với lực lượng trực 24/24 giờ, gồm: 404 chiến sĩ bộ đội biên phòng, công an, dân quân tự vệ. Trong đó, dọc tuyến biên giới của xã Nhơn Hưng và An Phú, Đồn Biên phòng Nhơn Hưng bố trí lực lượng và quản lý 26 tổ, chốt chặn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với quân số là 115 đồng chí.

Dọc tuyến biên giới của xã An Nông và thị trấn Tịnh Biên, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên bố trí lực lượng và quản lý 25 tổ, chốt chặn cố định và 4 tổ lưu động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, quân số là 289 đồng chí. Hoạt động lưu thông hàng hóa qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện niêm phong ca-bin phương tiện ngay khi nhập cảnh. Người điều khiển phương tiện ở tại ca-bin trong suốt quá trình sang hàng hóa hoặc tiến hành cách ly người điều khiển phương tiện tại địa điểm cách ly tạm thời của doanh nghiệp. “Huyện đã hỗ trợ kinh phí gần 700 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp 18 chốt, trại trên tuyến biên giới đã xuống cấp, tạo thuận lợi cho CBCS thực hiện tốt nhiệm vụ” - ông Huân thông tin.

Cán bộ, chiến sĩ tuần tra biên giới. Ảnh: G.K

Phát huy nội lực trong dân

Cùng có đường biên giới giáp tỉnh Takeo như huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn đang duy trì 21 chốt chặn dọc theo tuyến biên giới thuộc 2 xã Vĩnh Gia, Lạc Quới và 3 chốt kiểm soát trong nội địa (2 chốt quân báo và 1 chốt cơ động).

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, huyện đã thành lập 77 tổ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại địa bàn từng khóm, ấp; 16 đội phản ứng nhanh (1 đội của huyện và 15 xã, thị trấn), 1 đội lưu động; 2 tổ kiểm tra, tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh COVID-19… Qua tuyên truyền, vận động, có 83.782 điện thoại thông minh trên địa bàn huyện cài đặt ứng dụng Bluezone.

Trong chuyến khảo sát công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các chốt biên giới trên địa bàn 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn mới đây, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đánh giá cao nỗ lực, thành tích của các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là kiểm soát, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nội địa. “Các lực lượng biên phòng, quân sự, dân quân tự vệ, công an tiếp tục phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát biên giới, có cơ chế thông tin kịp thời để phối hợp xử lý hiệu quả những tình huống phát sinh” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang lưu ý.

Cùng với phối hợp tốt các lực lượng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhiều lần nhắc đến yếu tố “dựa vào dân”, xem dân là “tai, mắt” của các tổ, chốt biên giới, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị. “Khi người dân có thành tích tham gia chống dịch tốt hoặc chỉ cần cung cấp thông tin có giá trị, phải có cơ chế khen thưởng ngay, đồng thời tổ chức tuyên dương, nhân rộng điển hình, tạo sự lan tỏa lớn trong cộng đồng. Các đơn vị, như: biên phòng, quân sự, công an, UBND các cấp cần xây dựng nguồn quỹ khen thưởng để thưởng “nóng” thành tích phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của người dân cũng như CBCS. Đồng thời có chiến lược, sách lược hỗ trợ lâu dài về đời sống để lực lượng ở các tổ, chốt biên giới yên tâm làm nhiệm vụ” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang chỉ đạo.

Đối với CBCS có thành tích đặc biệt xuất sắc, có thể xem xét thăng cấp quân hàm, thăng chức ngay để động viên ý chí kịp thời. “Trong tuyên dương, khen thưởng không thể cào bằng, phải thực hiện đúng lúc, đúng người, đúng thành tích. Trong xử lý vi phạm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cũng vậy, phải thực hiện nghiêm minh, nghiêm túc thì mới phát huy hiệu quả cao nhất. Để chiến thắng được đại dịch COVID-19, phải coi dân là cơ bản, phát huy tối đa tinh thần đoàn kết trong dân, lấy sức dân làm phòng tuyến biên giới vững chắc nhất” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh An Giang, các đồn biên phòng đang phối hợp với lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế, y tế địa phương thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ dịch tại cửa khẩu và trên biên giới. Toàn tỉnh đang duy trì 202 tổ, chốt biên giới với hơn 1.600 CBCS tham gia, thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới và phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

NGÔ CHUẨN