Phát triển đô thị tăng trưởng xanh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, thời gian qua, công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm. Theo đó, đã triển khai tổ chức lập và thực hiện các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đối với các khu vực đô thị hiện hữu nhằm triển khai thực hiện các dự án và định hướng kêu gọi đầu tư; xây dựng cải tạo và nâng cao chất lượng các khu vực đô thị.
UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại hiện trạng đô thị, kèm theo các giải pháp khắc phục để hoàn thiện các tiêu chuẩn của tiêu chí phân loại đô thị còn thiếu và đạt ở mức thấp, phù hợp điều kiện phát triển KTXH của địa phương, hướng đến đạt đô thị cao hơn đến năm 2025 và năm 2030.
An Giang hiện có 22 đô thị. Trong đó, có 1 đô thị loại I (TP. Long Xuyên), 1 đô thị loại II (TP. Châu Đốc), 1 đô thị loại III (TX. Tân Châu), 7 đô thị loại IV, gồm: Đô thị Tịnh Biên; thị trấn Núi Sập, Phú Mỹ, thị trấn Chợ Mới (mở rộng), thị trấn Cái Dầu (mở rộng), thị trấn Tri Tôn (mở rộng) và thị trấn An Châu (mở rộng) và 12 đô thị loại V, gồm: Thị trấn An Phú, thị trấn Long Bình, thị trấn Chợ Vàm, thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, thị trấn Ba Chúc, thị trấn Cô Tô, thị trấn Vĩnh Bình, thị trấn Mỹ Luông, thị trấn Phú Hòa, thị trấn Óc Eo, đô thị Hội An, đô thị Đa Phước.
Thời gian qua, phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở An Giang đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững. Qua đó, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu và ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) của hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh.
Lễ thông xe cầu Châu Đốc
Tỉnh thực hiện lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó BĐKH vào các đồ án quy hoạch, chương trình phát triển đô thị trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh. Về đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải đô thị, tỉnh An Giang được Trung ương đầu tư xây dựng công trình tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên giúp giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển KTXH, củng cố quốc phòng - an ninh.
Ngoài ra, tỉnh An Giang đã đưa vào vận hành Dự án hệ thống xử lý nước thải TP. Long Xuyên với quy mô công suất 30.000m3/ngày đêm; hệ thống xử lý nước thải TP. Châu Đốc với quy mô công suất 5.000m3/ngày đêm đang hoạt động đến công suất thiết kế.
Đang triển khai thực hiện các dự án nâng cấp phát triển đô thị do các tổ chức nước ngoài tài trợ, như: Chương trình thoát nước và chống ngập úng TP. Long Xuyên do Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ; Dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển đô thị thích ứng và bền vững do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ.
Phát triển đô thị bền vững góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân đô thị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng an sinh xã hội, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên (đất, nước, cây xanh…), bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, giảm nghèo… Phát triển đô thị bền vững mang lại lợi ích trên tất cả các mặt liên quan đời sống KTXH của đô thị, phục vụ cho người dân sinh sống, làm việc. |
Theo Sở Xây dựng, về đầu tư xây dựng, cải tạo các khu dân cư thu nhập thấp, toàn tỉnh hiện có 4 dự án nhà ở xã hội, gồm: Dự án khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ, dự án nhà ở xã hội - Tây đại học, dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Bình Hòa, Dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đức Thành. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai một số dự án khu đô thị, nhà ở thương mại, như: Khu đô thị Golden City, khu đô thị Tây sông Hậu, khu dân cư Xẻo Trôm 3, khu thương mại - dịch vụ và dân cư phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên)... Để đầu tư xây dựng không gian công cộng đô thị, xanh hóa cảnh quan đô thị, tỉnh triển khai thực hiện dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Long Xuyên” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt dự án điều chỉnh năm 2018 đang được thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề về phát triển đô thị, cải tạo khu dân cư thu nhập thấp; cải tạo tuyến rạch trong nội ô bị bồi lắng, ách tắc dòng chảy.
Ngoài ra, tỉnh phê duyệt Đề án phát triển cây xanh đô thị TP. Long Xuyên đến năm 2035 nhằm xây dựng TP. Long Xuyên trở thành “Thành phố xanh, sinh thái” trong tương lai, với chiến lược phát triển hệ thống cây xanh đô thị phù hợp, có bản sắc riêng, đặc trưng vùng miền và thích ứng với điều kiện tự nhiên. Đồng thời, chỉnh trang diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần cải thiện môi trường, ứng phó BĐKH… Các mục tiêu phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tiếp tục lồng ghép trong các đồ án quy hoạch chung đô thị, Chương trình phát triển đô thị, Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tỉnh chỉ đạo các các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý và hướng dẫn quản lý chất thải rắn vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh; thực hiện quản lý nước thải nông thôn phù hợp tình hình thực tế của tỉnh; hướng dẫn thực hiện xây dựng cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp - an toàn theo tiêu chí nông thôn mới. Tăng cường rà soát, theo dõi, đánh giá khu vực ô nhiễm, khoanh vùng xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường; theo dõi diễn biến chất lượng môi trường khu vực nông thôn theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đỗ Văn Thơm cho biết, từ năm 2020 đến nay, lĩnh vực giao thông có 34 dự án được đầu tư, nâng cấp, với tổng kinh phí 24.389 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn Trung ương hơn 19.621 tỷ đồng (chiếm 80% tổng vốn đầu tư), còn lại vốn địa phương. Có 9 tuyến đường tỉnh được nâng cấp dài 190km, mở mới 3 tuyến dài 100km, nâng cấp 16 tuyến đường huyện dài 186km. Đặc biệt, vốn đầu tư góp phần quan trọng mở ra các tuyến đường huyết mạch nối hệ thống giao thông liên hoàn, liên kết vùng An Giang - TP. Hồ Chí Minh - Campuchia...
Một số dự án giao thông trọng điểm, như: Dự án thành phần 1 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, được đầu tư mở mới 57km với nguồn vốn đầu tư 13.799 tỷ đồng. Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên được đầu tư từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, dự án vừa được khánh thành đưa vào khai thác phá thế độc đạo, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua nội ô địa bàn TP. Long Xuyên. Đồng thời, mở rộng không gian đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, phát triển đô thị, phát triển KTXH của TP. Long Xuyên và tỉnh.
Phát triển đô thị thông minh
Thời gian qua, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, cùng với đó là sự phát triển của đô thị thông minh là tất yếu khách quan tạo động lực quan trọng cho phát triển KTXH nhanh và bền vững. Phát triển đô thị thông minh đồng nghĩa với việc tận dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quản lý và vận hành hệ thống đô thị hiệu quả. Thực hiện Quyết định 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, tỉnh phối hợp Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) ra mắt Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh An Giang. Triển khai vận hành thử nghiệm với 10 lĩnh vực: KTXH, hành chính công, văn bản điện tử, y tế, giáo dục, du lịch, lưu trú, camera an ninh, phản ánh kiến nghị, lắng nghe mạng xã hội. Triển khai ứng dụng di động SmartAnGiang để tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, hệ thống hoạt động ổn định, dữ liệu được cập nhật định kỳ, đảm bảo dữ liệu mới nhất và minh bạch theo thời gian. Với các phân hệ giám sát, điều hành được tích hợp tại Trung tâm IOC, tất cả dữ liệu được tự động tích hợp lên hệ thống, thể hiện bằng những bảng biểu trực quan và những phân tích dữ liệu chuyên sâu, phục vụ công tác quản trị điều hành của lãnh đạo các cấp ở mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Hệ thống quản lý quy hoạch và phát triển đô thị tỉnh An Giang, giai đoạn 2020 - 2025. Dự án do Sở Xây dựng đang tổ chức triển khai xây dựng, thí điểm cơ sở dữ liệu tại TP. Long Xuyên nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng hiện đại, hiệu quả, chất lượng, tạo môi trường đô thị tươi đẹp, phục vụ tốt cho tổ chức, cá nhân, người dân và khách du lịch. Đồng thời, xác lập một phương thức, cách thức tiên tiến để quản lý quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước. Thiết lập hệ thống các bản đồ, cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ, chi tiết, chính xác cao đáp ứng các yêu cầu về dữ liệu phục vụ quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị TP. Long Xuyên.
"Những năm gần đây, tôi thấy cảnh quan, không gian đô thị trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Tỉnh ưu tiên xây dựng công trình công cộng phục vụ người dân, như: Nâng cấp, cải tạo, khánh thành nhiều công trình giao thông, công viên, ngầm hóa công trình hạ tầng kỹ thuật; đầu tư công trình dân sinh, cấp, thoát nước phục vụ sinh hoạt cho người dân. Việc xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, mức độ hài lòng của người dân được chú trọng. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa cơ quan hành chính Nhà nước với các tổ chức, cá nhân, tăng hiệu quả làm việc, giảm phiền hà, chi phí, công sức cho Nhân dân" - ông Nguyễn Thành Được (người dân TP. Long Xuyên) nhận xét.
Tỉnh còn triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, như: Hệ thống thông tin quản lý quy hoạch và phát triển đô thị nằm trong tổng thể kiến trúc ICT cho đô thị thông minh An Giang; hệ thống hỗ trợ 4 nhóm đối tượng sử dụng (lãnh đạo các cấp, TP. Long Xuyên, doanh nghiệp, người dân)... Đồng thời, lồng ghép mục tiêu, nội dung về phát triển đô thị thông minh vào các đồ án quy hoạch, chương trình phát triển đô thị trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch tỉnh, chương trình phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh có khoảng 30 dự án trọng điểm ưu tiên thu hút vốn đầu tư, riêng lĩnh vực hạ tầng - khu đô thị và nhà ở có 8 dự án. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp phía Nam TP. Long Xuyên (phường Mỹ Thới); Dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp phía Nam đường Phạm Cự Lượng (phường Mỹ Quý và Mỹ Thới, TP. Long Xuyên); Dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp phía Tây TP. Long Xuyên (phường Mỹ Quý và Mỹ Thới) và nhiều dự án phát triển nhà ở tại các khu đô thị khác trên địa bàn tỉnh… Từ đó, làm thay đổi đáng kể về bộ mặt của các đô thị, thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương, chất lượng cuộc sống ngày được nâng cao.
Để phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, trong năm 2024, tỉnh tăng cường chỉnh trang đô thị, triển khai thực hiện các dự án hạ tầng khung, hạ tầng kỹ thuật đô thị thúc đẩy phát triển KTXH, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh với các công trình, dự án trọng điểm, điển hình tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; dự án nâng cấp phát triển đô thị do các tổ chức nước ngoài tài trợ. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh. Trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc đến năm 2045… Tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng hệ thống quản lý quy hoạch và phát triển đô thị tỉnh An Giang, giai đoạn 2020 - 2025. |
THU THẢO - HẠNH CHÂU