An Giang phát triển kinh tế tập thể

03/07/2024 - 07:48

 - Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh An Giang không ngừng được củng cố, phát triển, trọng tâm là hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Liên kết theo chuỗi giá trị có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Nhiều kết quả tích cực

Quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát huy vai trò của KTTT, HTX trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, những năm qua, tỉnh tạo điều kiện thúc đẩy khu vực KTTT, HTX phát triển.

Theo đó, cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT, HTX phát triển được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp nhu cầu hỗ trợ, trình độ phát triển của các HTX và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ.

Trong đó, có các chính sách hỗ trợ riêng và nội dung lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ phát triển của các ngành, lĩnh vực. Qua đó, huy động nguồn lực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Khu vực KTTT, HTX được hỗ trợ nhiều mặt (đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; chuyển giao công nghệ; tiếp cận vốn; đầu tư kết cấu hạ tầng...). Toàn tỉnh hiện có 288 HTX với gần 140.000 thành viên hoạt động trên 6 lĩnh vực: Nông nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; thương mại - dịch vụ, du lịch; khai khoáng; quỹ tín dụng nhân dân.

Ngoài ra, có 1.100 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động, với hơn 19.000 thành viên; có 2 liên hiệp HTX đang hoạt động (Liên hiệp HTX Thoại Sơn và Liên hiệp HTX Tri Tôn), với 20 thành viên. Hơn 6.300 lao động làm việc thường xuyên trong HTX, 1.800 cán bộ quản lý HTX (trình độ cao đẳng, đại học 513 người, chiếm 28,6%). Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX đạt 63 triệu đồng/người/năm; doanh thu bình quân 5,5 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 950 triệu đồng/năm.

Nhiều HTX tìm ra hướng đi mới thích ứng với cơ chế thị trường, mở ra nhiều dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện liên kết sản xuất với DN. Các HTX này cung ứng dịch vụ cho sản xuất và thực hiện các dịch vụ sản xuất gạo sạch đóng gói, cung cấp nước sạch nông thôn, nước uống đóng bình, nước mắm, xoài theo tiêu chuẩn VietGAP... Qua đó, đóng góp tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, giúp người dân nông thôn nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trong số các HTX hiện có trên địa bàn tỉnh, có 36 đơn vị ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 28 HTX có ứng dụng chuyển đổi số. Ngoài ra, có 6 HTX được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao và 14 HTX có sản phẩm tiềm năng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Bên cạnh đó, có 88 HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất - tiêu thụ với doanh nghiệp (DN); 2 liên hiệp HTX thực hiện liên kết với gần 30 DN, với tổng diện tích thực hiện cả năm đạt 58.682ha. Diện tích liên kết tiêu thụ lúa trong năm 2023 đạt 52.109ha, rau màu 6.470ha, cây ăn trái 103ha.

Thúc đẩy phát triển bền vững

Để KTTT phát triển trong thời gian tới, UBND tỉnh triển khai xây dựng đề án “Phát triển KTTT tỉnh An Giang giai đoạn 2025 - 2030”. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, mục tiêu của đề án nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh một cách bền vững, năng động và hiệu quả; trở thành một trong những nền tảng vững chắc của nền kinh tế với nhiều loại hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của KTTT. Tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển KTTT trong các ngành, lĩnh vực, trong đó hình thức HTX là nòng cốt; thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia KTTT, HTX.

Cùng với đó, tập trung phát triển các HTX gắn với liên kết chuỗi giá trị và theo yêu cầu của thị trường; các HTX chuyên sâu gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có quy mô lớn; các HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; các HTX sản xuất, chế biến gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa DN - HTX - hộ nông dân. Đồng thời, tăng cường năng lực của các HTX để phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên và người lao động trong HTX.

“Việc cân đối và phân bổ các nguồn lực để thực hiện đề án phải có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế, phù hợp nhu cầu và mong muốn chính đáng của các thành phần KTTT trong từng giai đoạn phát triển, tránh dàn trải, hình thức. Cần cơ chế huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp để các cấp, ngành, đoàn thể tham gia tích cực hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu.

Tỉnh tiếp tục thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, ngày 29/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025”.

Theo đó, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong chuỗi giá trị phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực của tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo, điều hành, quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của từng địa phương phù hợp định hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, hiện đại, hiệu quả.

Mỗi địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, định hướng phát triển HTX, THT gắn với DN theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực, trước mắt là 6 sản phẩm có tiềm năng lớn của tỉnh, gồm: Lúa gạo, rau màu, xoài, cá tra, bò, heo. Đồng thời, lấy KTTT, HTX làm vai trò đầu tàu để thực hiện toàn bộ chu kỳ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trở thành đầu mối liên kết chính trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; tiến tới sản xuất theo nhu cầu và đặt hàng của thị trường…

THU THẢO