An Giang phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc

18/01/2024 - 05:29

 - An Giang là tỉnh biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung lãnh, chỉ đạo chăm lo các mặt đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS Khmer. Tập trung các nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Cơ sở hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật được nâng lên, bộ mặt nông thôn khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, mức sống và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS Khmer ngày càng nâng cao.

An Giang có 18 xã và 27 ấp đặc biệt khó khăn được đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Thu nhập bình quân đầu người DTTS đạt 52,1 triệu đồng/năm. Hộ nghèo DTTS giảm bình quân trên 3%/năm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, đến nay, khu vực nông thôn tập trung đông đồng bào DTTS có những bước chuyển mình rõ nét, gần 100% số xã có đường nhựa, bê-tông đến trung tâm xã, khóm, ấp.

Tại huyện nghèo Tri Tôn giai đoạn 2018 - 2023 đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng 253 công trình, tổng vốn đầu tư trên 460 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 gồm 60 công trình, tổng vốn đầu tư gần 72,5 tỷ đồng. Xã, thị trấn có điện lưới quốc gia đạt tỷ lệ 100%; 100% trạm y tế xã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tuyến cơ sở; tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước hợp vệ sinh 89%, sử dụng điện 95%, được xem truyền hình trên 90%, được nghe đài truyền thanh 97%.

Hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc

Những năm qua, Nhà nước quan tâm ban hành nhiều chính sách phát triển giáo dục cho đồng bào DTTS. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào DTTS Khmer được đào tạo nghề, năm 2022 và 2023, tỉnh dành gần 30,2 tỷ đồng phân bổ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề, nâng cao năng lực phát triển đội ngũ cán bộ quản lý. Giai đoạn 2018 - 2023, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo hơn 5.000 học sinh, sinh viên, học viên là đồng bào DTTS Khmer. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho 3.708 người; chính sách nội trú cho 440 lượt học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng.

Đồng thời, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ tạo việc làm. Kết quả, giải quyết việc làm cho gần 300.000 lao động, trong đó có khoảng 5% là người DTTS được giải quyết việc làm; góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo. Việc dạy và học tiếng DTTS được quan tâm triển khai thực hiện, trong đó dạy và học tiếng Khmer được tổ chức tại 3 trường phổ thông dân tộc nội trú và ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên.

Một số nơi của huyện Tri Tôn còn tổ chức dạy tại các điểm chùa vào dịp hè hàng năm. Từ năm học 2015 - 2016, được sự giúp đỡ của tổ chức UNICEF Việt Nam, địa phương tổ chức giảng dạy thí điểm các lớp song ngữ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (tiếng Khmer) tại huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, trang bị cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu. Các chính sách về bảo hiểm xã hội thực hiện tốt. Năm 2023, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 130.000 người là đồng bào DTTS.

Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa DTTS vùng dân tộc nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành. Do vậy, các loại hình văn hóa của đồng bào DTTS Khmer được khôi phục, giữ gìn và phát triển. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS Khmer đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị. Tại các xã có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống đều bố trí cán bộ chủ chốt là người DTTS Khmer. Hiện toàn tỉnh có 1.076 cán bộ, công chức, viên chức DTTS Khmer (chiếm tỷ lệ 28% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh).

Thực hiện các chính sách dân tộc theo Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 4 năm (2016 - 2019), ngành nông nghiệp phối hợp địa phương giải ngân gần 15 tỷ đồng thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế. Cụ thể, như: Xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ con giống vật nuôi, máy phun thuốc trừ sâu… cho hộ nghèo, cận nghèo huyện Tri Tôn, An Phú, TX. Tịnh Biên, TX. Tân Châu.

Qua đó, có gần 150 hộ thoát nghèo sau khi được hỗ trợ phát triển sản xuất. Ngoài ra, tỉnh còn phân bổ kinh phí năm 2022 - 2023 hơn 176,4 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, đầu tư cơ sở hạ tầng ở xã, ấp đặc biệt khó khăn... Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi 12,2 tỷ đồng cho 372 hộ ở huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên vay chuyển đổi nghề thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Các chính sách đặc thù được thực hiện tốt nhân dịp lễ, Tết truyền thống, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Từ năm 2020 đến nay, vào dịp lễ, Tết dân tộc của đồng bào DTTS, UBND tỉnh hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS số tiền 300.000 đồng/hộ, kinh phí gần 1,5 tỷ đồng/năm; hỗ trợ 10 căn nhà, trị giá 500 triệu đồng cho hộ gia đình DTTS nghèo. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai tốt chính sách dân tộc, chăm lo phát triển KTXH, ổn định an ninh chính trị trên địa bàn vùng có đông đồng bào DTTS.

THIÊN THANH