An Giang phát triển mạng lưới điện

19/10/2023 - 03:30

 - Theo đánh giá chung, mặc dù gặp nhiều khó khăn, Công ty Điện lực An Giang vẫn đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy, phục vụ tốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; chuẩn bị sẵn sàng phương án cấp điện mùa mưa bão, các tháng cuối năm 2023.

Công ty Điện lực An Giang đề xuất ý kiến đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh

Đảm bảo yêu cầu

Theo ông Châu Duy Khánh (Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Điện lực An Giang), năm 2023, công ty được giao đầu tư 95 công trình lưới điện (gần 360 tỷ đồng), 16 công trình chuẩn bị đầu tư (gần 7 tỷ đồng). Đơn vị vay vốn thương mại (khoảng 214 tỷ đồng) để đầu tư lưới điện phục vụ cấp điện cho địa phương.

9 tháng của năm 2023, đơn vị thực hiện đạt các chỉ số Tổng Công ty Điện lực miền Nam giao, như SAIDI (thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối), SAIFI (số lần mất điện trung bình của lưới điện phân phối), MAIFI (số lần mất điện thoáng qua trung bình (từ 5 phút trở xuống) của lưới điện phân phối).

“Đặc biệt, từ tháng 8 đến tháng 12/2023, đơn vị áp dụng thay đổi ngày ghi chỉ số của khách hàng. Lịch ghi điện dời 1 ngày/tháng, từng bước chuyển ngày ghi điện về cuối tháng. Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2025 hoàn thành 100% khách hàng có ngày ghi chỉ số là ngày cuối tháng.

Việc thay đổi này vẫn đảm bảo đầy đủ quyền lợi của khách hàng, giúp họ dễ dàng giám sát, kiểm soát chỉ số, mức tiêu thụ điện theo ngày và số ngày của từng tháng, dễ nhớ ngày trả tiền điện hàng tháng… thông qua các dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Bên cạnh đó, việc dịch chuyển lịch ghi chỉ số giúp chúng tôi hạch toán doanh thu tiền điện phát sinh đúng, đủ theo từng tháng; tuân thủ quy định nghĩa vụ nộp thuế, thể hiện đầy đủ doanh thu trong năm tài chính phù hợp chi phí phát sinh trong năm kế toán” - ông Châu Duy Khánh cho biết.

Đến ngày 25/9/2023, toàn công ty có 3.326 khách hàng hạ áp; hơn 215.400 khách hàng theo hợp đồng mua - bán điện. Cả năm 2023, ước doanh thu bán điện đạt 4.704 tỷ đồng (tăng 6,25% so năm 2022).

Ngoài ra, 100% khách hàng giao dịch 12 dịch vụ cung cấp điện qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng và các trung tâm, Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% khách hàng sử dụng dịch vụ cung cấp điện trực tuyến cấp độ 4; điện tử hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ điện, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; 91% khách hàng sử dụng dịch vụ cung cấp điện qua môi trường mạng (Email, App, Zalo… của EVN SPC); 97,6% khách hàng được giải quyết yêu cầu đúng thời gian cam kết.

“Tháng 5/2023, nắng nóng cao điểm, toàn quốc bắt buộc cắt điện tiết giảm. Riêng tỉnh An Giang, phối hợp khách hàng (nhà máy thép, khu vực sản xuất mới) hạn chế hoạt động vào giờ cao điểm (17 giờ đến 22 giờ). Nhờ vậy, tỉnh không bị mất điện như các tỉnh, thành phố khác, đảm bảo ánh sáng sinh hoạt, sản xuất” - Giám đốc Công ty Điện lực An Giang Nguyễn Phước Quý Hùng cho biết.

Đề nghị gỡ khó

Bên cạnh đó, đơn vị đang gặp một số vướng mắc trong đầu tư công trình điện. Các dự án đầu tư (liên quan đến thu hồi đất thuộc diện phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư), chủ đầu tư chưa thể triển khai các bước tiếp theo, do chưa được cơ quan thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư.

Hiện, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định 1040/QĐ/UBND, ngày 30/6/2023 về việc ủy quyền cho UBND cấp huyện, thị xã, thành phố quyết định giá đất cụ thể, thành lập hội đồng thẩm định giá đất. Tuy nhiên, một số địa phương rà soát, xem xét cơ cấu thành phần hội đồng khá chậm, dẫn đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng; việc triển khai dự án chậm tiến độ khởi công, hoàn thành… ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp điện trên địa bàn tỉnh. Một số đường dây 110kV do nhiều nguyên nhân khác nhau phải thay đổi hướng tuyến đường dây, vị trí đặt trạm theo nhu cầu sử dụng đất của địa phương.

“Điển hình như đoạn từ trụ 131 đến 133 đường dây 110kV Tri Tôn - Thoại Sơn qua xã Bình Mỹ; đường dây 110kV Long Xuyên 2 - An Châu - Cái Dầu, vị trí trạm 110kV Khu công nghiệp Bình Hòa… Phải điều chỉnh, thay đổi thiết kế, thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thủ tục thỏa thuận lại hướng tuyến… kéo theo việc đầu tư xây dựng công trình điện chậm tiến độ vận hành lưới điện, cung cấp điện.

Mặt khác, công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là công trình phân pha lưới điện có cải tạo, mở rộng móng trụ, trồng chèn trụ gặp rất nhiều khó khăn trong vận động người dân… Do đó, rất cần được cơ quan chuyên môn xem xét, chính quyền địa phương hỗ trợ tháo khó khăn” - ông Nguyễn Phước Quý Hùng bày tỏ.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh đánh giá cao những kết quả đạt được của Công ty Điện lực An Giang trong sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng, cung ứng điện, cũng như việc cử đại diện tham dự đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; trả lời đầy đủ, nhanh chóng các ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh nhà. “Chiến lược lâu dài của đất nước và tỉnh luôn sẵn sàng chào đón nhà đầu tư lớn nhỏ, nhu cầu nguồn điện chắc chắn tăng cao. Nếu đường sá, viễn thông, điện lực… địa phương yếu kém thì “đại bàng” nào dám về.

Chính vì thế, ngoài hệ thống giao thông, tỉnh đang quan tâm đến phát triển mạng lưới điện. Những khó khăn vướng mắc, đặc biệt liên quan đến cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, chúng tôi sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét, tháo gỡ cho ngành điện lực” - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh khẳng định.

GIA KHÁNH