An Giang phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

07/12/2022 - 07:33

 - Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), An Giang đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tác động tích cực đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đời sống nông dân ngày càng phát triển, tăng niềm tin của nhân dân vào tổ chức Đảng và hệ thống chính trị.

Nhiều kết quả nổi bật

Kết quả nổi bật là tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ở nông thôn, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), An Giang có đến 108/120 xã nông thôn đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 90%).

Qua 10 năm nỗ lực thực hiện chương trình NTM, tỉnh có 3/11 đơn vị cấp huyện (huyện Thoại Sơn, TP. Châu Đốc, TP. Long Xuyên) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM/đạt chuẩn huyện NTM, có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM (tỷ lệ 51,2%). Toàn tỉnh có 17 xã NTM nâng cao, có 6 ấp NTM và không còn xã dưới 9 tiêu chí.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn, nhất là trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong giai đoạn suy thoái kinh tế thế giới 2008-2013 và tình hình dịch bệnh COVID-19. Giai đoạn 2008-2020, tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh khoảng 3%/năm, chưa đạt theo mục tiêu đề ra; nhưng trong từng giai đoạn ngắn hạn, nông nghiệp vẫn có mức tăng trưởng hợp lý và chuyển dần từ sản xuất theo chiều rộng sang chiều sâu.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Nưng trao Bằng công nhận xã nông thôn mới cho xã Mỹ An (huyện Chợ Mới)

Ngành nông nghiệp đã duy trì phát triển ổn định nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn; hàng hóa là lúa gạo, thủy sản, trái cây đã trở thành ngành hàng sản xuất lớn của tỉnh. Ngoài việc đảm nhiệm vai trò an ninh lương thực, còn xuất khẩu mang về giá trị kim ngạch lớn.

Đến cuối năm 2020, diện tích lúa gieo trồng đạt hơn 637.000ha (tăng gần 73.000ha so năm 2008), sản lượng lúa đạt hơn 4 triệu tấn (tăng 490.000 tấn). Những năm gần đây, tỉnh thực hiện chủ trương phát triển du lịch sinh thái và tái cơ cấu ngành nông nghiệp nên diện tích cây ăn trái tăng hơn 9.000ha, chủ yếu là tăng diện tích trồng xoài, sản lượng hơn 176.000 tấn.

Thách thức đan xen

Công tác chăm lo cho an sinh xã hội được chú trọng với nguồn lực đầu tư từ ngân sách ngày càng tăng lên. Từ đó, đời sống của nông dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng, trình độ lao động được nâng lên. Dân cư nông thôn có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ, chính sách an sinh xã hội. Từ đó, người dân có điều kiện chủ động tham gia, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của để cùng chung tay xây dựng NTM, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước vào cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ: Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tăng trưởng nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp chậm, sản xuất nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khó khăn, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, công nghệ 4.0… hạn chế. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều. Các trục giao thông chính, tuyến đường tránh, tuyến cao tốc, một số cầu lớn đang trong quá trình hình thành...

Từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”

Thời gian tới, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được Chính phủ quan tâm đầu tư, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi vào thực tiễn, với quan điểm chung lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Theo đó, các cơ chế chính sách sẽ tập trung tạo điều kiện để sản xuất phát triển. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) và Kế hoạch 09-KH/TW của Bộ Chính trị về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tỉnh hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch… tạo tiền đề triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Nông dân có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn. Xây dựng các xã NTM có kinh tế - xã hội phát triển, kết cấu hạ tầng từng bước hiện đại. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao.

Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch. Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, môi trường xanh - sạch - đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

HẠNH CHÂU