Sản xuất thuận lợi
Vụ thu đông 2023, toàn tỉnh An Giang xuống giống 157.218ha lúa. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), qua thu hoạch hơn 15.000ha, năng suất bình quân ước đạt 5,73 tấn/ha (cùng kỳ năng suất 5,62 tấn/ha). Với giá xuất khẩu gạo liên tục lập đỉnh mới, giá lúa tươi bán tại ruộng đang ở mức cao, năng suất tăng, nông dân “trúng mùa, trúng giá” nên rất phấn khởi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y An Giang, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tạo được sự yên tâm cho người chăn nuôi. Các mô hình nuôi gia công cho doanh nghiệp (DN) được mở rộng, quy mô đàn vật nuôi của tỉnh tiếp tục tăng về số lượng và sản phẩm thịt hơi xuất chuồng. Trong khi đàn trâu, bò giảm nhẹ (có khoảng 52.500 con, giảm 350 con so cùng kỳ) thì đàn heo tăng trưởng ấn tượng.
Ước tính đàn heo thịt toàn tỉnh hiện có khoảng 100.000 con, tăng gấp 1,47 lần so cùng kỳ (tăng 32.000 con); sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng từ đầu năm đến nay gần 13.200 tấn, tăng 2.100 tấn. Đối với đàn gia cầm, hiện có khoảng 6,65 triệu con (tăng 650.000 con), trong đó đàn gà 2,2 triệu con, tăng 46,67% (chủ yếu do tăng đàn gà của các DN và hộ nuôi gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam); sản lượng thịt hơi gia cầm 11.500 tấn, tăng 582 tấn.
10 tháng của năm 2023, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng khoảng 539.000 tấn, tăng gần 7% so cùng kỳ 2022. Trong đó, cá tra thu hoạch 484.000 tấn, tăng 8,92%; các loại cá khác gần 54.700 tấn, bằng 92,26% cùng kỳ; sản lượng tôm 6,15 tấn, bằng 96,9%; con giống cá tra sản xuất khoảng 1,6 tỷ con, tăng 4,1%. Sau thời gian trầm lắng, xuất khẩu cá tra bắt đầu sôi động lại thời gian gần đây, DN tìm kiếm được đơn hàng và mở rộng thêm nhiều thị trường mới.
Tập trung nhiệm vụ
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Đức Duy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp thời gian tới là tiếp tục theo dõi sản xuất vụ thu đông 2023 và xuống giống vụ đông xuân 2023 - 2024; xúc tiến liên kết tiêu thụ lúa, nếp, rau màu, cây ăn trái; đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng trên lúa, cây ăn trái. Đồng thời, tiếp tục tiêm phòng vaccine cho đàn gia súc, gia cầm và giám sát các bệnh nguy hiểm: Cúm gia cầm, dịch tả heo Châu Phi, lở mồm long móng, tai xanh ở heo, bệnh dại ở chó và viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Cùng với vận hành quản lý, khai thác 31 hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn, lắp mới đồng hồ nước cho hộ dân, Sở NN&PTNT phối hợp Sở Tài chính xác định nguồn kinh phí để xây dựng Đề án cung cấp nước sạch nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh An Giang; thực hiện điều chuyển, tiếp nhận, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Những tháng cuối năm 2023, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, hỗ trợ các các huyện Chợ Mới, Châu Thành và Phú Tân triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo kế hoạch; phối hợp các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ hoàn chỉnh các hồ sơ sản phẩm và tham gia Hội đồng OCOP cấp huyện đánh giá, phân hạng các sản phẩm tiềm năng năm 2023.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp xã, nông dân; phối hợp hỗ trợ các chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP tham gia sự kiện kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh, kết nối với các DN bán hàng, đặc biệt là tổ chức sự kiện sản phẩm OCOP đồng hành cùng người tiêu dùng lần thứ II/2023 tại TP. Long Xuyên trong tháng 11 này.
Ông Nguyễn Đức Duy cho biết, Sở NN&PTNT đang tiếp tục hỗ trợ các tập đoàn, DN, như: Lộc Trời, Tân Long, Angimex, Quốc Tế Gia, Angimex - Kitoku… thực hiện liên kết theo hợp đồng vụ thu đông 2023 và triển khai kế hoạch liên kết vụ đông xuân 2023 - 2024. Đồng thời, hoàn chỉnh kế hoạch thực hiện đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tỉnh An Giang, giai đoạn 2023 - 2025; tổ chức các lớp học kinh doanh cho nông dân theo kế hoạch hỗ trợ người trồng lúa.
Đối với ngành lâm nghiệp, tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, ngăn chặn khai thác rừng trái pháp luật. Bên cạnh đó, chủ động rà soát, kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng; tiếp tục thực hiện công tác gieo ươm, giao cây theo kế hoạch cho các đơn vị đã đăng ký trồng cây lâm nghiệp phân tán…
Thanh tra ngành NN&PTNT chủ trì, phối hợp thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất - kinh doanh trên các lĩnh vực an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp, sản xuất - kinh doanh và sử dụng thuốc, hóa chất, thức ăn dùng trong chăn nuôi và thủy sản… nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng nông sản, thực phẩm, nhất là thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. |
HOÀNG XUÂN